“Tiểu gia” được “phá giá”, “đại gia” thì không
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Khoản 2 Điều 55 Luật Viễn thông quy định: “Giá cước viễn thông được xác định dựa trên cơ sở các căn cứ sau đây: giá thành, quan hệ cung - cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới”. Quy định này nhằm để DN cạnh tranh lành mạnh cần phải tách bạch trong kinh doanh, tránh bù chéo giữa các dịch vụ. Trong khi đó, từ khi ra đời dịch vụ di động 3G, để thu hút khách hàng, tăng lưu lượng sử dụng, DN đã giảm giá cước truy nhập internet xuống dưới giá thành rất nhiều, và lấy các dịch vụ di động khác bù lỗ cho dịch vụ này.
Căn cứ nhiều văn bản quy định như Luật Viễn thông, Luật Giá, Luật Cạnh tranh, đối với DN chiếm thị phần khống chế thì không được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Như vậy, Hanoi Telecom có thể cung cấp dịch vụ thấp hơn giá thành, nhưng 3 DN sở hữu các mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone là những DN nắm thị phần khống chế lại cũng đang bán dưới giá thành. Thứ hai là, theo cung - cầu trên thị trường thì hiện nay khách hàng đang sử dụng dịch vụ data nhiều hơn. Thứ ba là, giá cước data của các nước trong khu vực và quốc tế đều cao hơn Việt Nam. “Đó là lý do tại thời điểm này, DN yêu cầu tăng giá theo giá thành” – ông Trung cho biết.
Theo quy định, trình tự đăng ký giá dịch vụ được diễn ra như sau: DN chiếm thị phần khống chế đăng ký giá dịch vụ, Cục Viễn thông thẩm định và có văn bản chấp thuận cho DN điều chỉnh giá cước. Trong lần tăng cước này, 3 DN đã có văn bản đăng ký từ tháng 8, và trên cơ sở giải trình của DN, nhìn bức tranh chung và sự cân đối của thị trường, Bộ TT&TT đã ban hành 3 văn bản chấp thuận cho 3 DN, đều ký cùng ngày 4/10. “Không rõ DN có họp với nhau để ra cùng thời điểm hay không, nhưng có thể việc ký văn bản chấp thuận cùng ngày là lý do khiến thời điểm tăng giá của các DN trùng nhau” - ông Trung nhận định.
Trong khi đó các nhà mạng cho rằng, do có chung chu kỳ tính cước là ngày 1 và 16 hàng tháng nên việc các nhà mạng tăng cước ngày 16/10 là thời điểm tính cước gần nhất kể từ ngày được phép tăng giá.
Sẽ còn tăng nữa?
Trước thông tin các nhà mạng vì “không làm gì được” trước sự bành trướng của dịch vụ gia tăng trên nền internet (OTT) nên phải tăng giá, vừa để bù lỗ, vừa để “ép” cơ quan quản lý, đại diện 3 mạng lớn đều ra sức phủ định. Ông Hồ Đức Thắng - Phó Giám đốc Công ty VinaPhone – khẳng định “không phải do sức ép của dịch vụ OTT đang bị lỗ mà VinaPhone phải tăng giá cước 3G”. Còn ông Nguyễn Việt Dũng Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn Viettel cho hay: “Bản thân Viettel cũng có những đề xuất riêng về quản lý OTT gửi Bộ TT&TT, nhưng việc điều chỉnh cước 3G không liên quan đến OTT do việc sử dụng OTT tiêu tốn dung lượng data rất ít”.
Cục Viễn thông và Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đều khẳng định sẽ còn tiếp tục kiểm chứng giá thành thiết bị - là yếu tố chiếm đến 80% giá thành tính vào cơ sở hạ tầng. “Hầu như các thiết bị viễn thông Việt Nam phải nhập, chi phí này chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 80% trong giá thành trong khi giá cước Việt Nam chỉ bằng khoảng 39,6% (sau điều chỉnh) so với ASEAN. Ví dụ, Singapore có mức thu nhập rất cao nhưng giá thiết bị cũng giống hệt như ở Việt Nam. Con số này Cục Viễn thông và Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ kiểm chứng thêm” – ông Trung cho biết. Tuy nhiên, vị lãnh đạo Cục Viễn thông khuyến khích khách hàng vào website của các nước trên thế giới và khu vực để… tự kiểm chứng giá!
Đại diện Cục Viễn thông nhận định, thời gian tới có tiếp tục điều chỉnh giá cước hay không tùy thuộc vào giá thành dịch vụ. “Với giá cước như trước điều chỉnh 16/10/2013 thì việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng cước là việc cần làm. Nếu thị trường không có biến động lớn thì trong tương lai, DN sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng cước như lộ trình DN đăng ký với Bộ để đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành để thị trường phát triển bền vững, tránh đổ vỡ” – vị này nói.