Tránh lợi dụng vận động bầu cử vì mục đích cá nhân

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Theo Luật định, ngày 3 – 18/5/2011, MTTQ các cấp sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 thực hiện quyền vận động bầu cử của mình. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết:

- Theo Điều 11, Nghị quyết 1020 ngày 14/2/2011 của Ủy ban Thường vụ QH, vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương nào thì thực hiện quyền vận động bầu cử ở địa phương đó.

Những yêu cầu của vận động bầu cử bao gồm: Công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri. Không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri và phải b ảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình vận động bầu cử.

- Xin ông cho biết, pháp luật nước ta quy định những hình thức bầu cử nào và nội dung của vận động bầu cử ra sao?

- Đối với hình thức bầu cử, việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban MTTQ các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức; trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng; gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác.

Nội dung vận động bầu cử của người ứng cử bao gồm: Người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Người ứng cử trình bày ý kiến của mình về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Người ứng cử và cử tri trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm. Và cuối cùng là người ứng cử trả lời các câu hỏi của cử tri.

MTTQ Việt Nam không những là cơ quan chủ trì tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử mà còn có trách nhiệm giám sát quá trình vận động bầu cử để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tình trạng lợi dụng vận động bầu cử để thực hiện những mục đích cá nhân.

- Ngoài các hình thức vận động bầu cử mà pháp luật đã quy định, người ứng cử có được sử dụng một số hình thức vận động khác mà pháp luật không cấm như phát tờ rơi, tặng quà, vận động trên Internet... hay không, quan điểm của ông về việc này như thế nào?

- Ngoài ba hình thức vận động bầu cử mà pháp luật đã quy định, có thể có trường hợp người ứng cử thực hiện một số hình thức vận động khác, mà chủ yếu là phát tờ rơi để nói về thành tích của cá nhân mình. Pháp luật không cấm các hình thức này nhưng nếu thực hiện các hình thức không có trong quy định của Luật sẽ tạo ra sự không bình đẳng trong bầu cử bởi vì thành phần những người ứng cử rất đa dạng, có người công tác trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể, có người làm trong các DN...

Có thể thấy rằng khi đã đưa vào danh sách ứng cử ở đơn vị bầu cử thì ở đó là sự hòa trộn các đối tượng như thế. Và những người có điều kiện vận động bầu cử theo một trong các hình thức như phát tờ rơi, tặng quà cho cử tri... sẽ chủ yếu là các doanh nhân, điều này sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng đối với những người ứng cử trong cùng đơn vị bầu cử không có điều kiện thực hiện các hình thức vận động đó. Như vậy yêu cầu đảm bảo bình đẳng theo quy định sẽ không được thực hiện và đó là điều pháp luật cấm.

Đối với hình thức vận động trên Internet, nếu coi Internet là phương tiện thông tin đại chúng thì pháp luật nước ta không cấm. Tuy nhiên, trong Luật đã quy định rõ, thông qua việc trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu người ứng cử có điều kiện được các báo mạng phỏng vấn, được đăng tải trên Internet thì tôi nghĩ đó là điều tốt cho người đó. Đặc biệt, không được lợi dụng việc trả lời phỏng vấn đó để nói những việc sai sự thật, để công kích làm tổn hại đến uy tín, quyền lợi, danh dự của những người khác.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Nguyễn Bích Thuỷ (thực hiện)

Đọc thêm