Trẻ bỏ nhà đi bụi: Lỗi tại ai?

Nhóm đi bụi khai rằng họ đã sống theo kiểu “quan hệ tình dục bầy đàn” trong quá trình “bôn tẩu giang hồ”. Sự việc này đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về trào lưu trẻ vị thành niên bỏ nhà đi bụi.

Ngày 16/2 vừa qua, tại TP.Pleiku (Gia Lai), từ lá đơn trình báo mất con của một bà mẹ, công an đã phát hiện ra một nhóm tuổi "teen" bao gồm năm nam, ba nữ tụ tập sống bầy đàn tại một phòng trọ. Điều tra cho thấy, cả năm đối tượng nam đều sống cảnh bụi đời trên địa bàn TP.Pleiku, hai trong ba cô gái đang học lớp 9 và lớp 11 bị dụ bỏ nhà đi bụi (trong đó có thiếu nữ 17 tuổi được xác định là người con bị mất tích), cô gái còn lại hành nghề mại dâm.

Nhóm đi bụi khai rằng họ đã sống theo kiểu “quan hệ tình dục bầy đàn” trong quá trình “bôn tẩu giang hồ”. Sự việc này đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về trào lưu trẻ vị thành niên bỏ nhà đi bụi.

Vì sợ đòn roi mà đi bụi

Cách đây không lâu tại Quảng Ngãi, có hai nữ sinh tên là Hà và Tuyền đã rủ nhau đi chơi biển rồi theo một nhóm thanh niên đón xe lên Gia Lai và vào TP.HCM, lẳng lặng rời xa gia đình hơn 1 tháng khiến các bậc phụ huynh ngỡ con mình bị bắt cóc nên trình báo công an.

Khi tìm được hai cô gái trở về, cả hai gia đình đều không dám la mắng một tiếng vì sợ con lại bỏ nhà đi tiếp.

Muôn nẻo đường mưu sinh. Ảnh minh họa
Muôn nẻo đường mưu sinh. Ảnh minh họa

Bà Hoa, mẹ của nữ sinh Hà cho biết: “Cũng tại ba nó cộc tính quá, có chuyện gì là bắt con nhỏ quỳ dưới nền nhà, đánh đập thừa sống, thiếu chết nên nó sợ là vậy. Bây giờ con bé đã lớn tồng ngồng rồi mà cứ đánh đòn y như hồi con nít nên mới gây ra chuyện lớn vậy”.

Còn phụ huynh của Tuyền thì mếu máo: “Do chúng tôi mải lo làm ăn quá, thiếu quan tâm đến con cái nên cháu mới hư, tự bỏ nhà đi xa với người lạ”.

Khác với Hà và Tuyền, Vũ Thế Thạch bỏ nhà ra đi vì không chịu nổi cảnh bố mẹ hàng ngày cãi nhau vì tiền và tình. Đỉnh điểm của câu chuyện là bố mẹ cậu bé cùng mang người tình về nhà khiến trong nhà Thạch tự dưng xuất hiện hai cặp “vợ chồng hờ”.

Đi bụi, trở thành "đại ca", bị đưa vào trung tâm giáo dưỡng, Thạch tự nhận mình là trẻ mồ côi và không một lời nhắc nhở đến gia đình. Tâm sự với lũ bạn, Thạch cho biết không có ý định về nhà khi rời trường mà sẽ tiếp tục cuộc đời bờ bụi.

Tình cảnh đưa Hoài An vào con đường làm gái bán hoa cũng tương tự như vậy. Và khi bố mẹ em ân hận về lỗi lầm của mình, tìm cách đưa An trở về con đường hoàn lương tiếp tục đi học, An từ chối thẳng vì em đã nhiễm thói ăn chơi sa đọa, lối sống bất cần và không còn lòng tin vào bố mẹ mình...

Phần lớn do lỗi của gia đình

Một nhân viên phụ trách đường dây nóng của Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông - Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cho biết: “Mỗi ngày đường dây nóng nhận được nhiều ca tư vấn, trong đó số trẻ em có ý định bỏ nhà đi bụi chiếm tỷ lệ khá cao. Đa số các em là con của các gia đình khá giả, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình.

Có thể thấy, một lý do chung khiến nhiều em rời bỏ tổ ấm chính là khi hạnh phúc gia đình lung lay, cha mẹ mải lo kiếm tiền xem nhẹ việc giáo dục con cái, hay cha mẹ nảy sinh các mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn, không ai quan tâm đến cuộc sống của con... Dù biết rằng, khi đã rời bỏ tổ ấm gia đình, sẽ phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc như: Nghiện ngập, trở thành tội phạm, bị xâm hại, nạn nhân của HIV/AIDS... nhưng nhiều em vẫn quyết ra đi vì còn hơn ngày ngày sống trong địa ngục gia đình”.

Phân tích về trường hợp bỏ nhà đi của Hà và Tuyền ở Quảng Ngãi, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Động - Tổ trưởng Tâm lý, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) phân tích: “Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, có nhiều biến đổi mạnh mẽ về thể chất, thường xảy ra nhiều mâu thuẫn về mặt tâm lý. Ở lứa tuổi này các em muốn khẳng định mình là người lớn, muốn sống tự lập nên dễ có những hành động bồng bột, nông nổi. Nếu các bậc cha mẹ, thầy cô giáo thiếu quan tâm, thiếu phương pháp giáo dục kỹ năng sống phù hợp thì rất dễ gây tổn thương đến tính tự trọng, tâm sinh lý của các em”.

Đặc biệt, theo Thạc sĩ Động, ở lứa tuổi này nếu các bậc phụ huynh còn dùng roi vọt đánh đập là phản giáo dục, gây vết hằn tâm lý cho tinh thần các em. Khi mâu thuẫn tâm lý trong lòng các em dâng lên cao độ thì dễ dẫn đến hành động nông nổi như tự tử hay bỏ nhà ra đi tránh ảnh hưởng gia đình, tham gia nhóm xã hội để khẳng định mình.

Trên một diễn đàn, một thành viên tuổi teen đã đưa ra hai lý do để “biện hộ” cho hành động đi bụi của bạn bè mình. Nếu lược qua những suy nghĩ ngông dại của tuổi trẻ, thì ý kiến của bạn trẻ này cũng có nhiều điều khiến phụ huynh giật mình suy ngẫm: “Điều thứ nhất là cha mẹ nhiều khi không hiểu rõ rằng con họ không hề muốn họ coi chúng như những đứa trẻ. Chuyện cha mẹ lo lắng cho con nhiều quá, cấm đoán con nhiều quá có hại hơn là có lợi. Mà cái hại đầu tiên là bố mẹ và con cái không hiểu nhau, gây không khí căng thẳng trong gia đình. Điều thứ hai là cha mẹ không hiểu rõ là con họ muốn họ tôn trọng chúng. Mọi người đều là công dân, đều có quyền tự do cá nhân, người khác không được phép xâm phạm. Vậy mà nhiều người thường có thói quen lục lọi đồ đạc của con để kiểm tra. Làm như vậy chẳng ai là không giận và cảm thấy mình bị xúc phạm...”.

Thuốc trị “bệnh” đi bụi

Để làm tiêu tan ý định đi bụi của trẻ thì trước hết các bậc làm cha mẹ cần hiểu rằng nhiều đứa trẻ bỏ nhà ra đi vì chỉ muốn cha mẹ nhận ra sự tồn tại của mình, quan tâm đến mình hơn.

Ở bất kỳ lứa tuổi nào, trẻ em cũng khát khao một tổ ấm hòa thuận, hạnh phúc. Nhưng cũng có trường hợp, trẻ cũng áp dụng tích cực chiêu đòi bỏ nhà đi mỗi khi cảm thấy bố mẹ không hiểu mình hoặc muốn tạo áp lực thỏa mãn một nhu cầu nào đó.

Thế nên, mỗi một tổ ấm gia đình cần có kỹ năng chăm sóc, vun đắp hạnh phúc mỗi ngày, trong đó các cặp vợ chồng khi giải quyết những mối bất hoà với nhau nên đặt đứa con của mình làm “trung tâm”. Để từ đó có lực chọn những cách hành xử sao cho đứa trẻ không cảm thấy tổn thương, không mất lòng tin ở cha mẹ và không muốn rời bỏ tổ ấm của mình ra đi.

Còn với tình huống trẻ đòi đi bụi để tạo áp lực đòi hỏi cha mẹ một điều gì đó thì theo chuyên gia tâm lý thay cáu giận, đào sâu mâu thuẫn, cha mẹ cần bình tĩnh “hạ nhiệt” để lắng nghe trẻ giải thích và đặt ra những câu hỏi như “Nếu bỏ đi, con sẽ ngủ ở đâu?”, “Ai sẽ nấu cơm cho con ăn?”, “Lỡ gặp mẹ mìn thì sao?”... Những câu hỏi này sẽ chỉ cho trẻ thấy nguy cơ và khó khăn đầy rẫy khi rời tổ ấm, nhằm dập tắt được ý định muốn “làm khó” bố mẹ của chúng.

Minh Dương

Đọc thêm