Trẻ em dùng mạng xã hội - hiệu quả và hậu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mạng xã hội vốn chỉ là một phương tiện, một công cụ của thời đại số, điều quan trọng là sử dụng như thế nào cho đúng. Có những phụ huynh để con “lậm” vào thế giới ảo với nhiều hậu quả tai hại, nhưng cũng có những bậc cha mẹ “gặt hái” cho con những điều tốt đẹp từ mạng xã hội.
Nhiều bậc cha mẹ hướng dẫn con dùng mạng xã hội để học tập và giải trí đúng mực. (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: NVCC)
Nhiều bậc cha mẹ hướng dẫn con dùng mạng xã hội để học tập và giải trí đúng mực. (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: NVCC)

Trẻ gặp vấn đề tâm lý vì “nghiện” mạng

Thấy con trai 5 tuổi ngày càng có biểu hiện khác thường trong tính cách như ít nói hẳn, ưa thích bạo lực hơn, thiếu tập trung trước lời người lớn nói…, anh H.K.T., ngụ đường Thoại Ngọc Hầu, Tân Phú, TP Hồ Chí Minh bắt đầu lo lắng tìm hiểu nguyên nhân. Anh phát hiện nguyên nhân lớn do con trai bị “bỏ mặc” với mạng xã hội và game online quá nhiều. Anh T. đi làm công trình, thu nhập cao nhưng phải vắng nhà thường xuyên. Để bảo đảm việc chăm sóc gia đình, hai vợ chồng bàn nhau để vợ anh nghỉ làm công ty, chỉ bán hàng online, dành nhiều thời gian cho con hơn. Nhưng thời điểm những tháng gần Tết vừa qua, lượng khách tăng đột biến, do bận rộn, chị H. để con tự do lên mạng. Chị chỉ nghĩ trẻ con lướt mạng xã hội, xem video cũng là giải trí lành mạnh, “có lẽ không sao”. Không ngờ hậu quả là hiện nay con trai nhỏ của anh chị trở nên thiếu hoạt bát, không thích giao tiếp, chỉ thích ôm ipad. Nếu không được xem, cháu bé sẽ khóc, giãy, đập đồ, la hét.

Thực tế, mặc dù đã có nhiều thông tin về mối nguy khi để con “nghiện” mạng, nhưng không ít phụ huynh vì bận rộn mà “giao phó” con cho thế giới mạng, để mặc con bị cuốn vào vô vàn thứ tốt xấu trên đó. Đã có những trường hợp con từ đứa trẻ ngoan trở nên bạo lực, từ dạn dĩ thành nhút nhát, học sinh giỏi trở nên yếu kém. Thậm chí, trẻ còn sa vào tệ nạn, như trộm cắp tiền của gia đình chơi game online, hoặc có trường hợp cha mẹ hoảng hốt khi phát hiện con chỉ đang ở tuổi thiếu niên mà nghiện xem phim “nóng”.

Về vấn đề này, một kết quả nghiên cứu cuối năm 2023 từ Hội đồng nghiên cứu Canada về khoa học thần kinh và rối loạn học tập cho thấy, khi trẻ em dành nhiều thời gian hơn trước màn hình điện thoại hay vi tính, sự căng thẳng sẽ gia tăng, mức độ lo lắng hay trầm cảm của trẻ cũng từ đó tăng lên. Đồng thời, với thói quen lướt mạng hoặc các video ngắn liên tục, các em sẽ quen với sự kích thích liên tục nên sẽ gặp khó khăn trong việc tập trung để làm bất cứ thứ gì dài hơi, kể cả trong học tập hay giao tiếp.

Phát huy đúng lợi thế công nghệ số

Không ít phụ huynh cho rằng internet và mạng xã hội là nhân tố độc hại, cần triệt để “cách ly” khỏi con trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, internet đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống, nếu cha mẹ “tách” con khỏi mạng, sẽ khiến trẻ mất đi một số kĩ năng cần thiết, sau này trở nên “lạc hậu” so với thế hệ sinh ra trong thời kì số hoá.

Hiện nay, ngay cả các trường học cũng đã áp dụng công nghệ vào giảng dạy, giúp trẻ có thêm những công cụ hữu ích để mở rộng phạm vi học hỏi. Vì thế, ngay từ trong gia đình, dùng công nghệ số để mở ra thế giới học tập đầy hữu ích cho con là điều mà mỗi cha mẹ cần chú ý đến.

Đến nay, khi bé Nguyễn Hoàng Lan Nhã 10 tuổi đang học tiểu học ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đạt một số thành tựu đáng ghi nhận trong học tập, chị Trần Nguyễn Khánh Hòa (mẹ bé) mới có thể “chứng minh” được phương pháp “dạy con bằng internet” là không sai. Trước đó, khi không cho con đi học thêm bất cứ môn gì, kể cả học ngoại ngữ tại trung tâm mà hướng dẫn để con tự học trên mạng, chị Hòa đã nghe không ít ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, chị Hòa vẫn kiên định tìm hiểu các ứng dụng tự học trên mạng, kết hợp hướng dẫn và theo sát con.

Hằng ngày, ngoài giờ học, con gái chị sẽ có khoảng thời gian cố định để học và làm bài kiểm tra về nghe, nói từ một ứng dụng tiếng Anh trên mạng. Các môn khác, bé cũng được học với các ứng dụng phù hợp. Môn Ngữ văn ngoài học và làm bài tập, bé còn được khuyến khích đọc sách hoặc nghe audio các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi. “Phần thưởng” cho việc học tốt là việc bé được sở hữu một kênh trên Tiktok và thoả sức sáng tạo những bài hát, điệu nhảy theo ý mình. Cứ như thế, mỗi ngày dành hơn 1 tiếng đồng hồ để học và 15 phút để giải trí trên mạng, còn lại là vui chơi, làm việc nhà, bé đạt một số kết quả học tập đáng khích lệ.

Cũng như chị Khánh Hòa, nhiều phụ huynh hiện đã tìm hiểu sâu về cách sử dụng internet thông minh, giúp con trang bị kĩ năng để bước vào thế giới mạng một cách tốt nhất. Như việc giúp con mở rộng giao tiếp, học lý thuyết về các kĩ năng, tham gia các hội nhóm bổ ích phù hợp với sở thích của con như lắp ráp lego, nhóm yêu âm nhạc, hội hoạ…

Internet, mạng xã hội hay trí tuệ nhân tạo... cũng chỉ là một công cụ của thời đại. Điều quan trọng là phụ huynh hướng dẫn, theo sát con, chỉ bảo con cách dùng công cụ ấy sao cho hạn chế tối đa được những tác động tiêu cực, phát huy tốt nhất lợi ích, để trẻ được thụ hưởng những lợi ích của công nghệ số mang lại mà vẫn “bảo toàn” được sự hồn nhiên của tuổi thơ.

Đọc thêm