Trẻ ở nhà cũng bị… bạo lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạo lực mạng là một thuật ngữ xuất hiện trong những năm gần đây. Bạo lực mạng không chỉ gây tổn hại đến người lớn mà còn để lại những hậu quả khôn lường cho trẻ em.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Rối loạn tâm lý vì bị bắt nạt trên mạng

Thấy cậu con trai 13 tuổi bỗng dưng trở nên ít nói chuyện, luôn ủ rũ, căng thẳng, chị Lê Ngân Tâm, ngụ Bình Thạnh, TP HCM và chồng rất lo lắng. Hỏi mãi con không trả lời, nhưng triệu chứng của con ngày một nặng lên. Con bỏ ăn, nhốt mình trong phòng, cha mẹ hỏi chỉ trả lời bằng thái độ khó chịu. Sốt ruột, chị Tâm tìm cách dò hỏi bạn thân của con, cuối cùng phát hiện ra nguyên nhân là vì con trai đang “khủng hoảng tâm lý” khi bị một nhóm bạn cùng trường kì thị, tẩy chay và bôi xấu trên nhóm của trường.

Sự việc bắt nguồn từ việc một học sinh trong trường bị Ban giám hiệu mời phụ huynh vì có hành vi khóa trái cửa ngoài một lớp học, khiến các bạn trong lớp không ra khỏi phòng học được. Dù đã thực hiện hành động nói trên một cách lén lút nhưng nam sinh này sau đó vẫn bị nhà trường truy ra, có hình thức xử phạt. Nam sinh này và nhóm bạn cho rằng chính con trai chị Tâm là “thủ phạm” mách sự việc với nhà trường, vì thời điểm đó con trai chị có đi ngang, tình cờ chứng kiến sự việc.

Trong các nhóm kín dành cho học sinh của trường trên mạng xã hội, con trai chị Tâm bị gọi là “kẻ mách lẻo”, “con trai mặc váy”, “kẻ đâm sau lưng bạn bè”... cùng nhiều lời lẽ khó nghe khác. Hình ảnh cậu bé còn bị chỉnh sửa, cắt ghép và bôi bác. Đó là nguyên nhân khiến con trai chị Tâm sợ hãi, bất an và stress.

Thời điểm này, học sinh tại nhiều địa phương trong cả nước không đến trường trực tiếp mà học online. Chính vì thế, thời lượng truy cập mạng internet nhiều hơn và tương tác trên mạng xã hội cũng nhiều hơn. Từ đó dẫn đến các hành vi bạo lực học đường, bạo hành tinh thần cũng “chuyển hướng” phổ biến hơn trên môi trường mạng.

Đã có những trường hợp, trẻ bị bạn bè tẩy chay, bắt nạt, bị bêu xấu trên những hội nhóm của lớp, của trường đến mức tự động bỏ các tiết học, không dám giao lưu với bạn bè.

Tuy nhiên, không chỉ trường học mới là môi trường mà trẻ dễ bị bắt nạt online. Giờ đây, các em nhỏ thường tham gia các hội, nhóm trên Facebook với nhiều chủ đề như showbiz, clip vui, bàn luận phim ảnh hay các vấn đề của tuổi học sinh. Chính trên các hội nhóm này, hành vi tấn công, bạo lực tinh thần có cơ hội để nảy nở.

Cách đây 3 tháng, một em học sinh tại TP HCM đã phải đi điều trị tâm lý chỉ sau một bình luận trên mạng xã hội. Em học sinh cấp 2 đã có một bình luận tục bậy dưới hình ảnh một nghệ sĩ mà em này không thích. Sau đó, em học sinh bị hàng loạt fan hâm mộ của nghệ sĩ vào tấn công trang cá nhân, gửi lời lẽ chửi bới thô tục vào tin nhắn Facebook, gọi “khủng bố” bằng các cuộc gọi qua mạng. Không chỉ thế, hình ảnh em còn bị chia sẻ ở nhiều hội nhóm để các fan hâm mộ đua nhau “ném đá”.

Trẻ con ở tuổi nổi loạn thường có nhiều hành vi, ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, háo thắng, dễ sa đà vào các cuộc khẩu chiến mạng xã hội. Từ những cuộc khẩu chiến này, các em dễ trở thành mục tiêu tấn công của những “anh hùng bàn phím”. Đôi khi, những lời các em bình luận trên mạng chỉ là bộc phát, “cho vui” nhưng hậu quả nhận thấy khôn lường.

Có em bị trầm cảm, cắt đứt giao tiếp với chung quanh, có em bị khủng hoảng tâm lý tuổi vị thành niên, dẫn đến những lệch lạc trong tính cách về sau. Có trường hợp một học sinh nữ, sau khi lên mạng bình luận lệch lạc về một vấn đề xã hội, đã bị nhiều “người lớn” trên mạng xã hội ngoài “dạy dỗ” còn chửi bớt, miệt thị, xúc phạm và hăm dọa khiến em này bị rối loạn tâm lý, phải nhập viện điều trị. Cũng đã có trường hợp, một em học sinh nữ nhảy lầu tự tử sau khi bị bạn bè tẩy chay, bôi xấu trên mạng xã hội, để lại bức thư tuyệt mệnh đầy đau đớn.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi bị bắt nạt, trẻ thường có xu hướng giấu giếm, không dám nói với gia đình vì nhiều lý do. Cha mẹ phải chủ động nhận ra những dấu hiệu bất thường từ con, như đột nhiên ngừng sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử, đồ công nghệ dù trước đó trẻ rất thích dùng, khi nhận được tin nhắn, con liền trở nên lo lắng, giật mình, bồn chồn hoặc con đột nhiên trở nên tách biệt khỏi gia đình và nhóm bạn bè xung quanh...

Có biện pháp quyết liệt để bảo vệ con

Thực tế, bạo lực mạng cũng nguy hiểm không kém gì bạo lực thân thể, nhất là với trẻ em. Bạo lực mạng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, từ việc đăng tải những nội dung, hình ảnh gây xấu hổ cho các em đến việc đe doạ, gây rối, bình luận tiêu cực trên môi trường mạng hoặc thậm chí là rình rập, theo dõi...

Cạnh đó, còn có đăng tin đồn, đe dọa công kích cá nhân, quấy rối, tung thông tin cá nhân và cả dùng từ ngữ thù địch. Kẻ tấn công thường khai thác nhiều khía cạnh, từ vóc dáng cơ thể, bề ngoài đến học vấn, gia đình, các mối quan hệ xã hội, sở thích… để gây tổn thương cho nạn nhân. Những hành vi bắt nạt được lặp đi lặp lại, gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân, khiến nạn nhân gia tăng cảm xúc tiêu cực, lo lắng bất an, xâm phạm sự riêng tư và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các em nhỏ.

Trẻ ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị tổn thương bởi bạo lực mạng, nhưng độ tuổi vị thành niên và thanh niên thường là những nạn nhân phổ biến.

Tính ẩn danh của người dùng trên mạng xã hội là một điểm thuận lợi cho những kẻ bắt nạt trên mạng tha hồ tung hoành. Cạnh đó, tốc độ phát tán nhanh chóng của những tin đồn, những lời đe doạ, hình ảnh, video được đăng tải cũng khiến bạo lực mạng càng khó kiểm soát và để lại những hệ quả khó lường với nạn nhân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kẻ gây ra bạo lực mạng có thể là người quen hoặc người hoàn toàn xa lạ với trẻ. Chỉ cần cha mẹ có sự nhạy bén, có thể phát hiện ra con mình đang là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Như trường hợp chị Lê Ngân Tâm trong câu chuyện nói trên, sau khi quan sát những biểu hiện bất thường, đồng thời tìm hiểu được nguyên nhân, chị đã liên hệ với nhà trường, cô chủ nhiệm để tìm hướng xử lý cho vấn đề của con. Em học sinh cầm đầu nhóm bôi xấu con chị Tâm trên mạng cùng phụ huynh đã được mời tham gia một cuộc trò chuyện với cô chủ nhiệm và gia đình chị Tâm để giải quyết khúc mắc. Thông tin chỉ rõ, việc nhà trường phát hiện ra hành vi của em là nhờ camera an ninh, không liên quan gì đến con chị Tâm, cũng như hành vi bắt nạt bạn trên mạng là sai, dẫu có bất kì lý do gì, huống chi chính em học sinh gây ra hành vi sai trái trước. Từ đó, em học sinh cam kết gỡ bỏ mọi thông tin về bạn học trên mạng xã hội, đính chính thông tin với các bạn khác, sau đó sự việc mới được dẹp yên.

Theo các chuyên gia tâm lý, đối diện với việc con bị bắt nạt, cha mẹ đừng để bị cuốn vào việc đáp trả những kẻ tấn công trên mạng xã hội. Nếu tình huống đơn giản, cha mẹ có thể cân nhắc bỏ qua những lời lẽ khiêu khích, chặn tài khoản hoặc báo cáo tài khoản đó cho trang web hoặc mạng xã hội. Song song đó, đừng trách mắng, chửi bới mà hãy tìm hiểu, lắng nghe, chia sẻ và cùng trẻ giải quyết, tháo gỡ vấn đề.

Nếu tình huống nghiêm trọng, hãy lưu giữ bằng chứng của bạo lực mạng bằng cách ghi lại những tin nhắn, bình luận mang tính đe doạ, khiêu khích, gây rối kèm theo thời gian thực xảy ra hoặc có thể nhờ đến đơn vị lập vi bằng. Những trường hợp nghiêm trọng có thể cân nhắc để nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trước hết, cũng giống như các dạng bạo lực khác, bạo lực mạng có thể ngăn chặn được trước khi có thể tổn thương đến con trẻ, bằng cách cha mẹ theo sát, tìm hiểu về thế giới online của trẻ một cách âm thầm, tế nhị để có thể nắm bắt được hành xử, tâm tư, tình cảm của con để điều chỉnh những hành vi lệch lạc. Đồng thời cũng cảnh báo với trẻ về mức độ quan trọng của sự riêng tư khi dùng internet cũng như hậu quả xảy ra khi bị tấn công trên mạng.

Đọc thêm