Các nhà khoa học Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đã tiến hành phân tích các số liệu thống kê chính thức đối với hơn 8.200 trường hợp đột tử trong khi ngủ ở trẻ em tại 24 bang trong giai đoạn 2004-2012.
Kết quả cho thấy 69% trẻ đột tử khi đang nằm cạnh cha mẹ. Cũng theo nghiên cứu, trẻ sơ sinh dưới 3 tháng có nguy cơ mắc SIDS cao hơn so với nhóm trẻ từ 4-12 tháng, với tỷ lệ tử vong tương ứng 74% và 59%.
Theo các nhà khoa học, cha mẹ không nên để trẻ sơ sinh ngủ chung với mình hoặc các trẻ lớn khác. Lời khuyên đưa ra là đặt trẻ nằm riêng trong cũi được thiết kế rộng rãi, bằng phẳng và đặt gần giường cha mẹ.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên để quá nhiều chăn, gối và đồ chơi xung quanh chỗ nằm của trẻ để tránh nguy cơ trẻ bị ngạt thở.
Các nghiên cứu công bố trước đó cũng cho rằng trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể giảm được nhiều nhất nguy cơ bị SIDS. Theo đó, trẻ được cho ăn bằng sữa ngoài có nguy cơ mắc SIDS cao gấp 1,5 lần so với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ. Ngoài ra, trẻ có cha mẹ không hút thuốc và được đặt nằm ngửa cũng có ít nguy cơ bị hội chứng này.
SIDS là hội chứng đột tử ở trẻ dưới 1 tuổi và xảy ra chủ yếu ở giai đoạn từ 7-10 tuần tuổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh tại các nước phát triển. Ở Canada, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong do SIDS là 1/2.000 trẻ. Nguyên nhân gây ra SIDS đến nay vẫn chưa đang là một ẩn số.