Trẻ từ 2 đến 6 tuổi cần tăng bao nhiêu kg?

Từ 2 đến 6 tuổi là giai đoạn hình thành các thói quen tốt về lựa chọn thực phẩm, tập luyện thể dục, vận động - yếu tố ảnh hưởng lớn đến hành vi của mỗi cá thể khi trưởng thành.
Trẻ từ 2 đến 6 tuổi cần tăng bao nhiêu kg?

Tại hội thảo khoa học “Dinh dưỡng cho trẻ từ 2-6 tuổi”, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh vai trò của giai đoạn phát triển này ở trẻ em hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy bên cạnh vấn đề suy dinh dưỡng đang còn tồn tại thì vấn đề thừa cân cũng đã tăng nhanh, tạo ra gánh nặng kép về dinh dưỡng.

Chế độ dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam còn nhiều bất cập. Ảnh:Quỳnh Trang.
Chế độ dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam còn nhiều bất cập. Ảnh:Quỳnh Trang.

Theo phân tích của các chuyên gia, ở giai đoạn 2 đến 6 tuổi, trẻ sẽ tăng khoảng 8,5 kg và 28,5 cm nếu được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ. Đây cũng là giai đoạn hình thành các thói quen tốt về lựa chọn thực phẩm, tập luyện thể dục, vận động - những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hành vi của mỗi cá thể khi trưởng thành.PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam trong độ tuổi này chưa đảm bảo đa dạng.

Tỷ lệ năng lượng do protein cung cấp chiếm 16% nhưng protein động vật còn thấp, năng lượng do lipid dưới 25% ở một số vùng. Khẩu phần canxi còn thấp, tỷ số canxi/photpho mất cân đối và chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng (vitamin A, Fe, Zn,…). Ngoài ra, khẩu phần của trẻ có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, khu vực và mức kinh tế.

Vì vậy, để trẻ phát triển toàn diện, các chuyên gia khuyến cáo:

- Cần các can thiệp ưu tiên giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và có giải pháp đặc thù cho từng vùng.

- Đảm bảo chế độ ăn của trẻ 2-6 tuổi phong phú, đa dạng, cân đối, giàu dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu khuyến nghị một ngày của trẻ. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, tập luyện thể thao và hình thành những thói quen ăn uống tốt ngay trong giai đoạn này.

- Đối với trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi, cần cho trẻ sử dụng sữa có độ năng lượng cao theo công thức F75 và F100 của Tổ chức Y tế thế giới (cung cấp từ 75-100 kcalo/100ml). Đồng thời, các chương trình, dự án can thiệp dinh dưỡng có thể sử dụng một số sản phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, canxi và các vi chất dinh dưỡng khác nhằm góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng và tầm vóc của trẻ em Việt Nam.

- Quan tâm đến vấn đề rèn luyện thể chất, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ ngay từ nhỏ. Đây là một giải pháp toàn diện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Đọc thêm