Tri ân những con người vì dân cất tiếng

(PLVN) -  Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Học tập và làm theo lời Bác, các nhà báo – chiến sĩ luôn dùng ngòi bút làm “vũ khí mềm” để đấu tranh và cất cao tiếng nói dân tộc, dù ở nơi ngục tù tăm tối hay chiến trường khốc liệt….
Trưng bày “Đứng lên và cất tiếng” giúp người xem tiếp cận với những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt.

Trưng bày “Đứng lên và cất tiếng” giúp người xem tiếp cận với những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt.

Làng báo trong tù

Nơi địa ngục trần gian Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo… mọi hoạt động của người tù đều bị giám sát, kiểm soát gắt gao. Nhưng dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng, tù chính trị vẫn mưu trí, sáng tạo để biên soạn, xuất bản, cất giấu bí mật những tờ báo đặc biệt. Mỗi tờ báo là một phương tiện để đoàn kết lực lượng, là tài liệu để học tập văn hóa, chính trị, là vũ khí để đấu tranh, cảm hóa kẻ thù… Những làng báo trong tù với phương thức làm báo chưa từng có đã tạo nên nét đặc sắc của dòng báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhà tù Hỏa Lò những năm 1931-1936, “để đập lại giọng điệu sai lầm và tuyên truyền giác ngộ họ theo chính nghĩa, chi bộ nhà tù đã ra các tờ báo “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam”, báo “Lao tù”… do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút và chỉ đạo. Tổ chép tài liệu chép thành nhiều bản gửi các nơi cần thiết” – trích “Hồi ký nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội trong năm 1930” của Nguyễn Văn Chi.

Tại nhà tù Sơn La, đồng chí Xuân Thủy đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và làm chủ bút báo “Suối reo” tại nhà tù. “Đảng bộ nhà tù Sơn La đã đề ra nhiều hình thức hoạt động phong phú, trong đó có xuất bản tờ “Suối reo” nhằm đoàn kết, động viên các lực lượng trong nhà tù. Sang năm 1943, sắp đến ngày thành lập Đảng, “Suối reo” càng hoạt động ráo riết. Ngoài “Suối reo” còn có nhiều bài thơ, câu đối của các tác giả truyền miệng cho nhau. Tôi chỉ còn nhớ được mấy câu trong những câu của tôi: Đảng ta từ thuở ra đời/Bao phen máu đỏ vẫn ngời lòng son/Sơn La những núi cùng non/Dù cho đá lở vẫn còn “Suối reo” - trích hồi ký “Suối reo năm ấy” của Xuân Thủy.

Tại nhà tù Côn Đảo, để thông tin tuyên truyền trong các tù nhân, những người tù Cộng sản đã nghĩ ra cách làm báo độc đáo. Tờ báo có tên là “Phá ngục” được làm bằng vỏ sò, san hô nung làm phấn viết trên sàn nhà. Bằng tờ báo sàn nhà, thông tin đã được truyền đi trong nhà tù. Báo được “xuất bản” lúc nửa đêm về sáng trên nền nhà vệ sinh, khi những người tù từ phòng giam tranh thủ ra ngoài đi lấy nước, vệ sinh thì đọc thuộc rồi về các “banh” truyền cho các tù nhân khác. “Hồi đó vất vả vì thường xuyên phải thức đến một, hai giờ sáng để viết báo, nhưng phấn chấn lắm. Cũng nhờ có “Phá ngục” mà anh em tù được cập nhật thông tin cả trong và ngoài nước. Nguồn để làm nên tờ báo chính là những thông tin của anh em tù làm nhiệm vụ khuân vác hàng từ tàu lên đảo. Trong quá trình khuân vác, anh em tranh thủ hỏi thông tin từ những người thủy thủ Việt từ đất liền…” - trích lời đồng chính Đặng Đức Hòa (Cơ Còi) cựu tù chính trị nhà tù Côn Đảo.

Cũng tại chốn lao tù, đã từng có một tờ báo rất độc đáo vì… không có báo. Đó là “Ngọ báo”. Đồng chí Hồ Tùng Mậu từng bị thực dân Pháp bắt giam năm 1932, 1933 tại ngục Kon Tum đã tham gia thành lập nhóm “Ngục thất tao đàn” và “Ngọ báo”.

“Ngọ báo” (báo giữa trưa) chỉ trên danh nghĩa, thực ra là không có báo. Ấy là vì trong tù ngục, chính trị phạm chỉ được nghỉ một tí ban trưa, họ tập trung lại “đọc” (cụ thể là nói) bài báo mình nghĩ trong đầu cho mọi người cùng nghe. Có lẽ đây là tờ báo độc đáo mà không biết còn có ở đâu như thế hay không” – trích Di sản văn học từ Ngục Kon Tum, Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum…

Trưng bày “Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng” kể câu chuyện của những nhà báo, chiến sĩ trên chiến trường khốc liệt.

Trưng bày “Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng” kể câu chuyện của những nhà báo, chiến sĩ trên chiến trường khốc liệt.

Tác nghiệp đến giây phút cuối cùng

Nhà báo Trần Kim Xuyến, Đại biểu Quốc hội khóa I, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam. Ông là nhà báo đầu tiên của Thông tấn xã và nền báo chí cách mạng Việt Nam hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào năm 1947. Ngày 3/3/1947, phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân giới ào ạt tấn công. Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Ông bình tĩnh đưa tài liệu đến chỗ kín đáo. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ thì ông bị trúng đạn liên thanh của quân Pháp, hy sinh tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trước khi chết, ông còn cố gắng hô to: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Được tin Trần Kim Xuyên hy sinh, Bác Hồ đã khóc.

Bà Trần Lệ Thu, con gái nhà báo – liệt sĩ Trần Kim Xuyến chưa hề được gặp mặt cha: “Mẹ tôi và các bác, các chú kể, bố cao ráo, ngoại hình đẹp, có “thần” trong công tác tuyên truyền và hùng biện, bố có tài tổ chức, lãnh đạo, biết xác định mục tiêu, lý tưởng và quan trọng là bố tôi luôn đấu tranh để đạt đến lý tưởng niềm tin cách mạng mà mình theo đuổi”.

Trong tư liệu “Những thước phim ghi bằng máu” nhà quay phim Trương Thành Hỷ đã kể sự hy sinh của những đồng đội của mình vô cùng cảm động: “Năm 1972, chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn, các đội quay phim chia nhau theo các đơn vị chiến đấu. Phan Đông Cam một nhà quay phim trẻ đề nghị cho anh theo đơn vị đầu tiên bởi anh quyết tâm phải quay cho được điểm rơi của pháo ta khi tới mục tiêu đồn địch. Cam vượt lên trước đội hình, ngó quanh và tìm ra được một cây cao. Anh trèo lên… 5h sáng loạt pháo đầu tiên rớt xuống đúng khu Lộc Ninh. Cam nắm chặt máy trong tay, ống kính hiện rõ mồn một những cột khói bung lên, lan tỏa trong lòng chi khu. Rồi đột nhiên, người Cam giật mạnh và sựng lại, một viên đạn ghim trúng ngực anh, máy quay phim vẫn ghì chặt trên tay, cả người và máy buông từ trên cao xuống. Thước phim cuối cùng rất rõ. Lộc Ninh giải phóng. Phim được chiếu cho đồng đội của Cam xem, còn anh thì chẳng kịp nhìn cảnh quay rực sáng của chính mình”.

“Câu chuyện hy sinh của Nguyễn Phú Thạnh mãi về sau vẫn được anh em nhắc lại như một huyền thoại. Đó là trận Đồng Xoài tháng 12/1974, Thạnh là một trong những người quay phim chính trong hai tổ quay phim bám theo các đơn vị quân Giải phóng ở vị trí tiền tiêu. Lúc công đồn, anh bị thương vào phần mềm, băng bó xong đơn vị cho chuyển về tuyến sau, nhưng Thạnh xin ở lại để tiếp tục cầm máy. Khi quân Giải phóng đón đánh quân tiếp viện trên đường số 2, súng nổ, một số chiến sĩ cầm súng còn chần chừ, Thạnh dõng dạc đứng lên tay cầm máy ảnh và hô xung phong. Mọi người ào lên. Tay máy, chân chạy ngay giữa hai tầm đạn, cảnh xung phong được quay một cách ngoạn mục nhưng Thạnh lại trúng đạn lần nữa. Anh ngã xuống rồi gượng lên tiếp tục quay. Quay đến khi không còn đứng được nữa, người phóng viên mới gục xuống cạnh máy quay…”.

… Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Học tập và làm theo lời Bác, các nhà báo – chiến sĩ với mỗi tác phẩm báo chí dù được xuất bản trong hoàn cảnh tù đày hay giữa chiến trường khốc liệt đều được đánh đổi bằng mồ hôi, có khi bằng cả tính mạng. Nhưng đó cũng là lẽ sống, trách nhiệm và niềm tự hào của những người cầm bút!

Đứng lên và cất tiếng

Là trưng bày kéo dài đến hết ngày 31/12/2022 tại Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội nhằm điểm lại một số dấu ấn của nền báo chí cách mạng Việt Nam qua 97 năm hình thành và phát triển. Trưng bày góp phần tôn vinh chặng đường hoạt động sôi nổi của một nhà báo vì nước - nhà báo Hồ Chí Minh; tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Qua hai nội dung: "Tiếng nói dân tộc" và "Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng", trưng bày cũng là lời tri ân dành cho những nhà báo - chiến sỹ đã hy sinh xương máu, cống hiến quên mình cho sự nghiệp vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Đọc thêm