Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh: Không thể chậm trễ hơn!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chủ trì Hội nghị triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” diễn ra hôm qua (29/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chiến lược này rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc triển khai thực hiện và chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa…
Hội nghị triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050”.
Hội nghị triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050”.

Góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ định hướng đã được thông qua, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - TTX (Chiến lược) được tiến hành xây dựng trên cơ sở tham vấn sâu rộng các bên liên quan theo hình thức phù hợp với quy định phòng chống đại dịch COVID-19 thời gian qua.

Quá trình xây dựng Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực và nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề có liên quan, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021.

“Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hướng tới phát triển kinh tế xanh, đồng thời là tiền đề để cụ thể hóa các mục tiêu phát thải các-bon thấp, trung hòa các-bon trong dài hạn và đóng góp vào sự hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu...” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Anh quốc sẽ diễn ra trong vài ngày tới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hành động thiết thực, cụ thể…

“Mặc dù nhận thức là rất quan trọng, song hành động để triển khai nhận thức đó còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng hơn nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu thông qua việc thực hiện đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các quốc gia có chiều hướng ngày càng gia tăng. Chúng ta không thể chậm trễ được nữa, phải chung tay thực hiện Chiến lược quan trọng này…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Có kế hoạch triển khai cụ thể

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Petrovietnam... cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai chiến lược TTX tại đơn vị mình nhưng hiện vẫn là chủ động tìm hiểu học hỏi chứ chưa có hướng dẫn cụ thể.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam đề xuất Bộ KH&ĐT sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành kế hoạch hành động quốc gia về TTX, cơ sở dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu thông kê về TTX và chỉ số TTX tổng hợp để các tỉnh, thành phố có cơ sở xây dựng và triển khai đánh giá tình hình thực hiện hành kế hoạch hành động TTX tại địa phương. Đồng thời đề xuất lựa chọn Hải Phòng là thành phố áp dụng thí điểm chỉ số TTX tổng hợp.

Đại diện Hải Phòng cũng đề nghị sớm hoàn thiện khung pháp lý về lồng ghép các tiêu chí và TTX vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Chiến lược được phê duyệt, Bộ KH&ĐT cũng đã nhận được những phản hồi hết sức tích cực từ các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan cũng như từ các chuyên gia nghiên cứu. Điều đó chứng tỏ rằng, Chiến lược đã tạo ra được nhận thức chung hết sức có ý nghĩa về tầm quan trọng của TTX cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước…

Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về TTX chính là hành động thiết thực đầu tiên để các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ quan liên quan, các chuyên gia thống nhất các hành động cần triển khai trong thời gian tới nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng mà Chiến lược đặt ra. Đồng thời, bước đầu trao đổi, thảo luận để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030 và những nhiệm vụ quan trọng liên quan.

Chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra 4 mục tiêu quan trọng gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Đặc biệt, mục tiêu đầu tiên của Chiến lược là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP tiếp tục kế thừa Chiến lược giai đoạn nhằm đánh giá khả năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính so sánh trên một đơn vị sản lượng kinh tế, giúp xác định được mức độ thân thiện của nền kinh tế với môi trường khi quy mô của nền kinh tế ngày càng tăng, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ môi trường, vừa gắn kết chặt chẽ với phát triển “nhanh, bền vững”.

Chiến lược đặt mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Xa hơn, năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm