Tin dụng bắt đầu tăng nhưng cầu vẫn yếu
Báo cáo của NHNN cho biết, sau 02 tháng triển khai quyết liệt các giải pháp, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. Riêng NHCSXH cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103 nghìn khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 517 nghìn khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tín dụng đến cuối tháng 4/2020 đã tăng 1,42%, tăng 0,32% so với cuối tháng 3/2020. “Tuy nhiên, so với mức tăng 4,4% cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng thấp hơn rất nhiều, bởi lẽ nhiều DN thậm chí chưa biết vay vốn để làm gì…”- Phó Thống đốc nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dẫn có số tăng trường tín dụng qua các tháng: Tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 tăng khoảng 1,2%.
“Như vậy, trong nửa đầu tháng 5/2020, tín dụng đã giảm 0,22%. Hiện cầu tín dụng của DN rất yếu, nhiều DN có dòng tiền trả nợ nhưng cũng không có kế hoạch vay mới, do không biết lấy nguyên liệu ở đâu, bán cho ai…”- ông Hùng nói và cho rằng, đây cũng là khó khăn của NH…
Đồng hành, sẻ chia…
Tại Hội nghị, ông Trần Đăng Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ TP Hà Nội, cho rằng NHNN rất quyết liệt, các NH cũng rất tích cực, tuy nhiên đây đó ở cấp nhân viên vẫn còn có hiện tượng gây khó dễ và đề nghị cần có sự kiểm tra, rà soát lại.
Theo ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, bản thân các DN khi thực hiện các thủ tục vay vốn, các điều kiện cho vay thì các chuyên viên, kế toán trong hệ thống DN chưa đọc, hiểu rõ và kỹ các thủ tục hướng dẫn, nên khi phối hợp với các bộ phận tín dụng trong hệ thống NH chưa xây dựng được bộ hồ sơ chuẩn. Do đó cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân trong hệ thống NH.
“Hỗ trợ phải trên tinh thần quyết liệt. Mong muốn NH cho vay đúng đối tượng và cần phải có tổng kiểm tra, rà soát để xem có bao nhiêu DN, thuộc ngành lĩnh vực nào được vay vốn, khó khăn vướng mắc gì…” - ông Mạc Quốc Anh đề nghị.
Trước ý kiến của một số DN phản ánh việc thực hiện Thông tư 01 còn chậm, mức miễn giảm lãi còn thấp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, việc giảm lãi suất, giãn nợ là do NH chia sẻ với DN, nguồn hỗ trợ này không phải từ ngân sách. “Đây là sự cố gắng lớn của NH vì bản thân các NH cũng đang gặp nhiều khó khăn…”- Ông Tú nói.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, thời gian đầu, việc cơ cấu nợ diễn ra khá chậm, chủ yếu do các NH cũng cần thời gian để ban hành quy chế nội bộ, tập huấn cán bộ, đồng thời lại phải chấp hành cách ly xã hội. “Tuy nhiên, tháng vừa qua, việc cơ cấu nợ được tiến hành khẩn trương, đến nay mang lại kết quả khả quan. Chúng tôi khẳng định, tất cả khách hàng đều được xem xét tháo gỡ khó khăn, giãn hoãn nợ, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi…”- ông Hùng khẳng định, đồng thời bày tỏ rất muốn nhận được phản ảnh của DN qua đường dây nóng đề NHNN có căn cứ xử lý, chấn chính. “Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có những trường hợp một ông chủ thành lập nhiều DN, NH cho vay như thế nào? DN khó khăn nhưng DN cũng phải chia sẻ, đồng hành với NH…” - ông Hùng đề nghị.
Cũng theo ông Hùng có trường hợp DN khó khăn từ trước, nhưng lợi dụng dịch Covid-19 cũng làm thủ tục cơ cấu lại nợ, khi không được giải quyết thì kêu NH gây khó dễ… Ông Hùng khẳng định, những trường hợp này NH phải rất cương quyết và NHNN đã có văn bản nghiêm cấm trục lợi chính sách, lợi dụng dịch để trục lợi…
“Chúng tôi biết DN khó khăn, song NH cũng cần quản lý dòng tiền, mong DN hiểu và chia sẻ với NH. NH không thiếu vốn và cũng cần phải cho DN vay vốn, nhưng các DN cần chủ động trong việc chứng minh được hiệu quả của dự án..” - ông Hùng đề nghị.