Triển khai quy trình quản lý sản xuất và tiêu thụ nông sản tại tỉnh Bình Định

(PLVN) - Sáng  8/10, tại Bình Định đã diễn ra Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham dự của các thương nhân là những doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ kinh doanh, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã xây dựng và triển khai nhiều đề án, kế hoạch, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nhằm nâng cao giá trị nông, lâm, thủy sản. Qua đó, góp phần phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đưa các giống mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất từng bước được đẩy mạnh; diện tích đất canh tác được cơ giới hóa hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất đồng thời ngành chăn nuôi cũng được đẩy mạnh chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Quang cảnh Hội nghị

Hiện nay tại tỉnh Bình Định có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, ớt, lạc, sắn, dừa, bưởi, xoài; trong đó một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành hàng hóa tập trung hướng tới xuất khẩu như ớt, bưởi, dừa, xoài.

Ngoài ra, địa phương này cũng là vựa chăn nuôi lớn nhất khu vực với 686,2 nghìn con heo; 308,6 nghìn con bò và 8,5 triệu con gà. Về sản phẩm OCOP, luỹ kế đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 382 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó: 44 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 338 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Trong thời gian tới, tỉnh có nhiều cơ hội để hình thành sản phẩm tập trung theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, thân thiện với môi trường, gắn với các dự án chế biến gia súc, gia cầm nhằm nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, tiến tới xuất khẩu và hình thành thương hiệu tầm quốc tế.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ghi nhận và đánh giá cao các thương nhân là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá thể đã năng động thu mua nông sản để đưa đi tiêu thụ, chế biến và làm khâu trung gian thu mua cho các nhà máy, doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh vẫn thiếu tính bền vững, còn tình trạng được mùa mất giá, chi phí đầu vào sản xuất có lúc còn cao, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối.

Do đó, UBND tỉnh mong muốn các thương nhân chủ động phản ánh thực trạng và hiến kế các giải pháp cho sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian tới ổn định, bền vững, mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất phù hợp để tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản.

"Việc giải quyết kiến nghị, đề xuất giữa các cơ quan quản lý nhà nước với thương nhân theo nguyên tắc chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh; thương nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ ổn định giá cả thị trường, tuân thủ pháp luật trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, an toàn thực phẩm và có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh", ông Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị triển khai mang tính tổng thể các giải pháp ổn định kinh doanh về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trên địa bàn.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến để hướng dẫn nhằm theo sát bà con tập trung đảm bảo quy trình chất lượng, đồng thời tạo thêm nguồn lực giúp cho bà con thay đổi từ khâu đầu tư ban đầu, tận thu được hết các sản phẩm của bà con, để có hiệu quả và từ hiệu quả đó sẽ giúp bà con sẽ tuân thủ.

Mục tiêu là tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản phẩm chất lượng, năng suất, đảm bảo nông nghiệp bền vững và tất cả các thành phần tham gia cùng thắng, đồng thời thay đổi nhận thức, cách làm tất cả các khâu từ đầu vào của nông nghiệp, giống, phương thức sản xuất, kỹ thuật, công nghệ đến tổ chức sản xuất của bà con nông dân đến khâu tiêu thụ, chế biến.

Sau Hội nghị lần này, tỉnh cần có một chiến dịch về tổ chức và củng cố lại công tác từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, chính quyền phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chăm lo cho người dân, cho doanh nghiệp. Chính những việc khó, việc chưa ổn của người dân, doanh nghiệp thì chính quyền phải vào cuộc.

"Chúng ta phải là khâu trung gian để kết nối giữa các bên và giám sát việc thực hiện của các bên. Sắp tới chúng ta sẽ ký một số thỏa thuận, đã ký thỏa thuận, chính quyền phải giám sát. Bên nào sai, vi phạm thì sẽ bị phạt, tỉnh chúng tôi cũng sẽ có các ý kiến", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị lần này, các sở ngành địa phương tỉnh Bình Định đã triển khai quy trình quản lý sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn, đồng thời phổ biến, giới thiệu các quy định của pháp luật về giá và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sở Công Thương đã ký các cam kết về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh như bưởi, ớt, xoài , dừa... với Hệ thống siêu thị go!, Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích và Siêu thị Coop mart Quy Nhơn cũng như ký cam kết với Công ty TNHH San Hà về hỗ trợ tiêu thụ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân, An Lão, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Cát và huyện Vân Canh cũng đã cùng nhau ký kết các bản ghi nhớ hợp tác theo mô hình chuỗi: Đại diện các Hộ nông dân – Đơn vị đầu mối (Hợp tác xã, doanh nghiệp…) – Doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất, tiêu thụ.

Đọc thêm