Triển khai thuế tối thiểu toàn cầu: Bình Dương tìm cách “giữ chân” nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Chỉ còn ít tuần nữa, Việt Nam chính thức tham gia “sân chơi” thuế suất tối thiểu toàn cầu. Làm gì để giữ chân nhà đầu tư (NĐT) đang là mối quan tâm của nhiều địa phương, nhất là các địa phương đang thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Bình Dương.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương)
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương)

Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương và Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) vừa phối hợp tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư - Chiến lược phát triển FDI Bình Dương bối cảnh Việt Nam thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu (TTTC)”.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN - Bộ KH&ĐT), hiện Bình Dương đang là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư FDI với hơn 4.000 dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 40 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước.

Báo cáo của Sở KH&ĐT Bình Dương cho biết, chỉ riêng 3 quý đầu năm 2023, địa phương này đã thu hút vốn FDI đạt gần 1,3 tỷ USD; dự tính hết nhiệm kỳ, con số này có thể đạt khoảng 13,2 tỷ USD.

Để thu hút vốn FDI theo hướng chất lượng, Bình Dương đang hỗ trợ thực hiện những giải pháp đồng bộ về phát triển hạ tầng giao thông logistic, chất lượng nguồn nhân lực. “Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, có mức độ kết nối, thu hút và chuyển giao công nghệ của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước cao. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam nói chung và nói riêng trong chuỗi giá trị toàn cầu…” - ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN, kịp thời tháo gỡ các khó khăn nội tại cũng như thường xuyên, liên tục lắng nghe các phản ánh, góp ý, từ đó tổng hợp và đề xuất chính sách nhằm tiếp tục nâng cao vị thế tỉnh nhà trong khu vực và trên thế giới, là nơi để NĐT an tâm tiếp tục mở rộng sản xuất và cũng là nơi NĐT lựa chọn hàng đầu khi đến Việt Nam tìm hiểu môi trường, hợp tác kinh doanh.

Nhận diện thách thức

Với việc triển khai thuế TTTC từ 01/01/2024, ngoài chính sách chung, theo các chuyên gia, các địa phương cần chủ động có giải pháp cho riêng mình.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế, đối với Bình Dương, có 2 thách thức đặt ra trong thu hút quy mô và cơ cấu FDI trong thời gian tới: Thứ nhất, Bình Dương phải cạnh tranh với chính mình trong việc gia tăng tỷ trọng của nguồn vốn FDI xanh, thúc đẩy đóng góp hướng tới đô thị thông minh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, gắn kết với DN trong nước của tỉnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng, góp phần sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình; Thứ hai, Bình Dương phải cạnh tranh với các địa phương khác trong việc vẫn phải tiếp tục gia tăng quy mô thu hút FDI.

“Sự vượt lên của một số địa phương vốn là tỉnh ít thu hút FDI là tín hiệu đáng chú ý, muốn đẩy mạnh việc thu hút các dự án mới, Bình Dương cần nhanh chóng tháo gỡ “điểm nghẽn”, nâng vị thế và các điều kiện tiên phong của “sếu đầu đàn” trong việc phát huy lợi thế và kinh nghiệm giảm chi phí và rủi ro thông qua cải cách môi trường kinh doanh, minh bạch, công khai hơn nữa từ quy hoạch, chính sách đến thi hành pháp luật…” - chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Theo ông Nguyễn Tất Sơn, Chủ tịch HĐQT Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, Bình Dương là thủ phủ công nghiệp mới, trung tâm công nghiệp miền Đông Nam Bộ đang vươn lên vô cùng mạnh mẽ, địa phương có thu nhập đầu người cao nhất trên 7.000 USD/năm. Do đó, hoạt động phối hợp tìm kiếm các giải pháp nâng cao hình ảnh, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo và xúc tiến đầu tư là rất cần thiết.

Ngoài ra, cần chú trọng liên kết cộng đồng DN, chia sẻ thông tin, tăng cường góp ý chính sách, chia sẻ và liên kết cơ sở dữ liệu để tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN; Đặc biệt, nâng cao năng lực hỗ trợ DN và giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính; Liên kết phát triển tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức, DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; Nắm tình hình, diễn biến thị trường, hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa; Nghiên cứu xây dựng “Sổ tay hướng dẫn đầu tư ” cho các NĐT, DN; Chú trọng thu hút vốn “đầu tư xanh”, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững từ những DN FDI, tập đoàn lớn toàn cầu và các DN lớn của Việt Nam đến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đọc thêm