Triển vọng gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản

(PLVN) - Ngành thủy sản (TS) đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu (XK) đạt 10 tỷ USD năm 2019 nhưng cũng đang đối diện với hàng loạt thách thức, đặc biệt là "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC) vào cuối năm nay. Xung quanh vấn đề này, PLVN đã có cuộc trao đổi với tân Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân.
Triển vọng gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản

Ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng của ngành TS trong năm 2019 này khi chỉ còn quý IV nữa?

- Năm 2019, ngành TS được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao các chỉ tiêu cơ bản như tốc độ tăng giá trị sản xuất: 4,69%; Tổng sản lượng TS: 8,08 triệu tấn (tăng 4,2% so với 2018) và kim ngạch xuất khẩu: 10 tỷ USD (tăng 19,3%).

Tôi cho rằng, các mức chỉ tiêu trên phù hợp so với năng lực sản xuất của ngành trong giai đoạn 2013-2018 (5 năm thực hiện tái cơ cấu), ngoại trừ chỉ tiêu về kim ngạch XK là khá cao. 

Về kim ngạch XK TS, với mục tiêu 10 tỷ USD (tăng 13,7% so với thực hiện năm 2018 là 8,794 tỷ USD), trong khi tốc độ tăng bình quân 5 năm vừa qua là 5,5%/năm. Ngoài ra, năm 2019  xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, tác động đến XK TS của Việt Nam như xung đột thương mại, giá cả tăng cao và nhất là sự cạnh tranh giữa các quốc gia cùng XK TS nên để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành TS sẽ phải nỗ lực rất nhiều.

Vậy những khó khăn của ngành TS trong giai đoạn này là gì, thưa ông?

- Trước hết, các xung đột thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc sẽ tác động không nhỏ tới các chính sách thương mại, cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp đến là các rào cản kỹ thuật của các thị trường XK ngày càng nhiều với các quy định chặt chẽ hơn trong đó yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm; cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt...

Trong khi đó, diễn biến thời tiết rất phức tạp, ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy hải sản, đó còn chưa kể đến bão lớn, áp thấp nhiệt đới...

Đặc biệt, việc tàu cá và ngư dân vẫn vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định IUU, trong khi các nước trong khu vực tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử phạt. Đây là khó khăn lớn cần phải khắc phục ngay để việc gỡ thẻ vàng của EC sớm được thực hiện.

Một khó khăn khác của ngành TS là tình trạng nuôi TS vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là trong khai thác chưa nhiều. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…), bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến sản phẩm TS khai thác còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu.

Và cuối cùng, việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong khai thác TS còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chất lượng nguyên liệu TS khai thác giảm do bảo quản dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Ông cho biết về công tác chuẩn bị cho việc tiếp đoàn EC đánh giá lần 2 tại Việt Nam?

- Ngày 31/7/2019, trưởng Bộ phận IUU của EC về IUU có thư thông báo kế hoạch từ ngày 4-12/11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của EC (Đoàn Thanh tra) sẽ sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC đối với ngành khai thác hải sản Việt Nam về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Tổng cục TS đã tham mưu, báo cáo Bộ NN&PTNN xem xét, phê duyệt kế hoạch tổng thể tiếp, làm việc với Đoàn thanh tra của EC. 

Theo dự kiến, Đoàn Thanh tra sẽ kiểm tra thực địa tại một số Chi cục TS, cảng cá tại một số tỉnh ven biển và làm việc kỹ thuật với Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và TS, Tổng cục TS một số doanh nghiệp XK tại TP.HCM. 

Đồng thời, Đoàn EC cũng sẽ trao đổi cấp cao với Lãnh đạo Tổng cục TS; báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra với Lãnh đạo Bộ NN&PTNN và dự buổi tiếp, làm việc với Lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng gỡ "thẻ vàng" trong năm nay?

- Trước hết, chúng ta nhận định rằng, việc EC áp dụng “Thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam XK vào EU là thách thức đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam. 

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tổ chức lại ngành này theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật TS quốc tế. Đây chính là mục tiêu lâu dài của Tổng cục Thủy sản.

Trong gần 2 năm qua với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT; sự nỗ lực vào cuộc của các bộ/ban/ngành có liên quan và chính quyền 28 tỉnh ven biển việc khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” đã đạt nhiều kết quả tích cực. 

Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý bền vững ngành TS, chống khai thác IUU qua Luật TS năm 2017 và các văn bản dưới luật đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép tại một số quốc đảo đã chấm dứt. Việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc TS khai thác... đã và đang được quan tâm. Ý thức tuân thủ pháp luật TS nói chung, pháp luật chống khai thác IUU đã được cải thiện.

Tuy nhiên, còn một số nội dung khuyến nghị của EC mà chúng ta cần có thêm thời gian, cần đầu tư bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn; thời điểm EC gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện Luật TS năm 2017 và các nhóm nội dung khuyến nghị của EC tại trung ương và chính quyền 28 tỉnh ven biển.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm