Gian nan mang vịt biển ra Trường Sa
Ý tưởng đưa vịt ra các đảo để nuôi, đặc biệt là huyện đảo Trường Sa do vịt có thể uống được nước biển, giúp bộ đội và nhân dân các đảo cải thiện bữa ăn, đặc biệt đối với các đảo chìm là của chị Hoàng Lệ Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa.
Cuối năm 2013, trong một lần dự hội nghị tổng kết về nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội, chị được giới thiệu về một giống vịt biển do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên nuôi nên mong muốn đưa giống vịt biển ra Trường Sa để góp phần cải thiện đời sống bộ đội.
Do chưa có kinh nghiệm nên việc đưa giống vịt biển ra đảo Trường Sa ban đầu gặp nhiều khó khăn, trải qua nhiều lần thất bại. Lần đầu tiên, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã gửi 100 trứng vịt biển đưa ra đảo Trường Sa Đông ấp nhưng chỉ có một vài quả nở. Lần thứ hai, trứng vịt biển lại được đưa ra đảo Trường Sa Lớn cho ấp nở, kết quả cũng không hơn lần trước.
Lần thứ ba được bắt đầu với việc nuôi thí điểm 1.000 con ở Quảng Ninh, 200 con ở đảo Thổ Chu để lấy kinh nghiệm. Từ nỗ lực của những người yêu Trường Sa, vịt biển Đại Xuyên đã lên tàu ra các đảo.
Ngày 19/12/2014, lần đầu tiên 600 con vịt biển một ngày tuổi được chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội về sân bay Cam Ranh. Vịt được tập kết tại Trạm chế biến chăn nuôi tập trung của Lữ đoàn 146 Hải quân. Tại đây, vịt biển được nuôi trong một thời gian ngắn cho quen với điều kiện khí hậu, sau đó sẽ theo tàu chuyển cho các đảo.
Những ngày đầu vịt mới được đưa về, Phân viện Thú y Miền Trung đã 3 lần tiêm vắc xin phòng bệnh, cho thuốc và gửi tặng 1 tấn thức ăn tổng hợp. Thức ăn cho vịt là rau muống băm nhỏ trộn với cơm, cám công nghiệp. Sau vài tuần đàn vịt đã thích nghi được với môi trường bán đảo. Thời tiết khi đó lạnh và mưa. Do chăm sóc tốt, chỉ sau một thời gian ngắn, đàn vịt biển với màu lông đặc trưng có màu cánh sẻ xanh đen, cổ khoang trắng bắt đầu phát triển mạnh, cân nặng trên 1kg và chuyển sang thời kỳ thay lông.
Tháng 4/2015, đàn vịt biển theo tàu Hải quân ra Trường sa, bắt đầu cuộc sống mới, làm bạn với biển khơi bao la và những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng thích ứng, sinh sôi và phát triển nhanh chóng.
Ngày 14/12/2017, 2.000 con vịt biển giống vịt 15-Đại Xuyên đã được Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường sa. Đến nay, vịt biển đã có mặt ở khắp các đảo chìm, đảo nổi Trường Sa. Vịt biển chịu mặn, ra đảo thích ứng rất tốt và hầu hết đều khỏe mạnh. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của những người góp phần làm nên sức sống Trường Sa.
Vịt biển con được ấp nở thành công ở các đảo Trường Sa |
Bổ sung vật nuôi ý nghĩa cho các đảo
Thiếu tá Đinh Văn Diệu - Đảo trưởng đảo Đá Lớn A kể: “Trước đây, anh em lính đảo nuôi vịt nhà tốn nhiều công sức. Muốn có vịt, phải mang trứng vịt ra ấp nhưng ấp 10 quả thì họa hoằn lắm mới có 1 quả nở, còn lại thì hỏng hết. Con nở cũng ít khi sống được, khâu chăm sóc cũng rất khó khăn. Lúc đầu chúng tôi tiếp nhận 12 con vịt biển.
Nuôi vịt biển, anh em không cần phải chăm sóc nhiều, chúng lớn rất nhanh, sau 3 tháng mỗi con đã cân nặng 3kg. Sau này nuôi quen, vịt chuyển ra đều sống và sinh sôi nhân đàn. Vịt biển đã bổ sung thêm một vật nuôi đầy ý nghĩa cho đảo và cũng là thực phẩm bổ sung rất tốt cho sức khỏe bộ đội”.
Còn Thượng tá Lương Duy Hạnh - Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca cho biết: “10 con vịt biển đợt đầu chúng tôi tiếp nhận đều sống và những con vịt mái đã đẻ trứng. Đảo Sơn Ca có nhiều ốc biển, những ngày bình yên, không mưa to, sóng lớn, lũ vịt được thả ra mò mẫm bắt ốc, lớn nhanh như thổi. Sau khi nhận máy ấp trứng, anh em đã cho ấp nở. Sau một số lần thất bại, hiện nay tỷ lệ trứng vịt ấp nở thành vịt con cao”.
Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, việc nghiên cứu và chọn tạo thành công vịt biển là bước ngoặt lớn trong ngành chăn nuôi thủy cầm. Vịt biển rất kiêm dụng, vừa để lấy thịt, vừa để lấy trứng. Vịt biển dễ nuôi và có sức sống cao. Tại các xã đảo tiền tiêu của Tổ quốc, loài này lại càng có ích.
Ở Trường Sa mùa này, lẫn trong tiếng gió ru là tiếng líu kíu của bầy vịt biển đang giỡn nước. Khung cảnh thanh bình của một làng biển hiện hữu nơi cuối trời Tổ quốc.