Đau đáu ước mơ bám biển

(PLO) - Những giọt nước mắt, những tâm sự mặn mòi như nước biển, và có cả những nụ cười hạnh phúc dù muộn màng của những ngư dân như minh chứng cho bức tranh nhiều xúc cảm về cuộc sống mưu sinh bám biển. Trong bức tranh ấy, có những hy vọng, có những yêu thương và có cả hạnh phúc đang đâm chồi. Giấc mơ biển, chinh phục biển có thể dang dở nhưng không bao giờ hết...
Chị Nhành chăm sóc anh Sáng sau tai nạn biển.
Chị Nhành chăm sóc anh Sáng sau tai nạn biển.

Mong được trở lại với nghề

Đã quá trưa, chị Nguyễn Thị Nhành (SN 1975, ngụ thôn Bá Hà 2, phường Ninh Thủy, TP Nha Trang, Khánh Hòa) mới ăn cơm trưa khi lo xong thuốc thang cho chồng là anh Nguyễn Văn Sáng (SN 1971, bị tổn thương phổi nặng do di chứng lặn biển) và 3 đứa con. Được biết, anh Sáng có tới 22 năm kinh nghiệm làm nghề thợ lặn, chuyên tìm ốc và tôm hùm. Ai ngờ anh bị câu “sinh nghề, tử nghiệp” đã vận vào, khiến anh thành tàn phế.

Khi anh Sáng còn chưa gặp nạn, gia đình chị Nhành thuộc dạng khá giả. Chị Sáng kể: “Tôm sao là loại tôm quý, đến 4 triệu rưỡi/kg nên có lần lặn bắt được ba bốn con, anh ấy điện về khoe mà mấy mẹ con mừng cả đêm chẳng ngủ được. Có lần lại bắt được con tôm hùm đến 7-8kg bán cho thương lái, trả tiền cho chủ tàu, vẫn còn dành được chút ít về nhà. Vậy mà vào cuối tháng 5/2015 tại vùng biển Vũng Tàu, anh ấy đã gặp nạn”.

Trong hồi ức của anh Sáng, đó là buổi chiều khi anh vừa lặn xuống thì bất ngờ bị một luồng hải lưu làm cho lạnh toát người, rồi khó thở và cứ thế chìm xuống dưới. Thấy anh Sáng xuống đã lâu mà không giật dây làm hiệu như mọi khi, mọi người linh tính có chuyện chẳng lành nên vội vàng kéo lên thì hai chân, hai tay anh đã co quắp, lồng ngực căng phồng như sắp vỡ, biểu hiện của chứng bị áp suất nước biển nên mọi người gọi cứu hộ.

Khi đó, có một tàu hải quân làm nhiệm vụ tuần tiễu đi qua nên mọi người đã nhờ tàu cứ chạy một mạch từ 22h đến 9h sáng hôm sau thì đưa anh Sáng vào bệnh viện, may mà giữ được tính mạng. Sau gần hai năm anh Sáng phục hồi chức năng, gia sản nhà chị Nhành lần lượt “đội nón ra đi”.

“Giờ tôi đi phụ bán cơm ngoài thị xã, trưa tranh thủ về nấu cơm và thuốc thang cho chồng, tối lại đi làm một lúc mới về. Vất vả nhưng tôi cố gắng được”, chị Nhành tâm sự.

“Anh ấy vẫn đau đáu nhớ biển. anh ấy cứ bắt tôi phải đưa ra biển hít hà “mùi biển” cho đỡ nhớ”. Chị Nhành nói rồi chỉ cho chúng tôi ngăn tủ kính để đầy những vỏ ốc to cả một người ôm, anh Sáng gật gật đầu cười chỉ Lý Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa... đó chính là những con ốc anh tự đặt tên cho chúng khi lặn mò được. 

Chị Nhành kể: “Có hôm thấy anh ấy nhìn mấy vỏ ốc mà khóc, tôi cũng khóc theo, thương chồng rồi cứ dặn lòng mình cố gắng hơn để mong chồng mau khỏi”.

Hạnh phúc nở muộn

Hoàn cảnh của anh Hồ Văn Nước (SN 1974) bị tai nạn biển khi mới 10 tuổi đã cướp đi đôi chân rất đáng thương. Anh Nước kể: “Tuy mới hơn 10 tuổi nhưng sức vóc anh hơn hẳn đám cùng tuổi nên khi nghỉ học, anh theo chú đi đánh bắt cá xa bờ. Trong một lần lặn biển ngoài khơi Ninh Thuận, anh bất ngờ bị nước cuốn vào chân vịt của một tàu khác khiến đôi chân anh bị mất vĩnh viễn. Sau lần tai nạn ấy, việc di chuyển của anh chỉ bằng đôi nạng gỗ”.

 Nhưng tai nạn lấy đi của anh đôi chân chứ không lấy đi ý chí của người đàn ông giàu nghị lực này. Khi sức khỏe hồi phục, dù mất đôi chân lành lặn nhưng anh Nước vẫn xin chú mình được ra biển đánh bắt cá với mọi người. Không thể lên thuyền đánh bắt bình thường như mọi người, anh Nước đu lên dây rồi lên thuyền, có chuyến đi biển kéo dài cả 10 ngày nhưng anh vẫn cố gắng kiếm miếng cơm manh áo tự nuôi bản thân. 

Do bị tàn tật nên anh Nước kết hôn muộn, vợ anh là chị Nguyễn Thị Sớm (SN 1981) kể: “Anh ấy tự ti mình mất đi đôi chân nên bao năm chỉ thui thủi một mình, nhà đã nghèo lại đông anh em quá. Tôi thương anh ấy thật lòng nên quyết định đến với anh. Năm 2015, chúng tôi sinh con đầu lòng là bé Như Ý, anh ấy hạnh phúc lắm, cười suốt ngày, đi đâu về cũng chỉ ôm con”. 

Được biết, gia đình anh Nước thuộc hộ nghèo, hai vợ chồng làm mà không đủ ăn, nay có thêm con nhỏ lại càng khó khăn. Ấy vậy nhưng anh Nước vẫn chịu khó, tự động viên mình còn sức khỏe còn đi biển được thì cố gắng để nuôi con.

“Có Như Ý, vợ chồng tôi vất vả mấy cũng cố gắng được, trời không phụ lòng người, chỉ cần còn đôi bàn tay, chúng tôi sẽ lo được cho cháu”, chị Sớm tâm sự. 

Tiếng con trẻ ê a trong căn nhà vẻn vẹn chưa đầy 10m2 như ấm cúng hơn khi chiều nay biển động, những con sóng chồm lên bọt nước tứ tung ngay sát thôn Bá Hà 1./.

Đọc thêm