Những năm gần đây, do ảnh hưởng El Nino, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến đất đai ở các vùng Phong An, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong Mỹ thuộc huyện Phong Điền bị khô hạn nghiêm trọng. Tuy là cây trồng chịu được khô hạn nhưng thời gian gần đây, do nắng nóng kéo dài đã làm cho nhiều diện tích trồng đậu phộng trên địa bàn huyện khô héo, bị chết dẫn năng suất thấp, thậm chí mất mùa. Trước thực trạng này, nhiều hộ dân đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với tình hình thời tiết nơi đây.
Là người tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây đậu phộng (lạc) sang atiso đỏ, mô hình trồng cây atiso đỏ trên vùng đất khô hạn của ông Lê Văn Thạch ở thôn Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế mở ra hướng đi mới trong trồng trọt.
Ông Thạch cho biết, đầu năm 2018, trong một lần tham quan mô hình phát triển kinh tế tại tỉnh Lào Cai, nhận thấy mô hình trồng cây atiso đỏ lấy hoa của các hộ dân ở vùng núi phía Bắc cho hiệu quả cao. Sau đó, ông mang giống về và trên diện tích 5 sào trồng lạc trước đây, ông xuống giống atiso đỏ; sau khoảng 06 tháng, cây atiso đỏ cho thu hoạch hoa, trung bình, cứ 1 sào atiso trồng trong vòng 6 tháng cho thu nhập từ 10-11 triệu đồng/vụ, cao gấp 6-7 lần cây lạc.
“So với các loại cây trồng khác thì atiso trồng khá đơn giản, tuy nhiên mình phải đảm bảo đúng các quy trình kỹ thuật chăm sóc để cây sinh trưởng tốt và cho hoa đạt chất lượng cao. Cây atiso đỏ chịu được khô hạn, không cần tưới nước nhiều, chỉ cần bón phân hữu cơ và không phải phun thuốc trừ sâu nên sẽ giảm được bớt chi phí đầu tư. Nay đầu ra cho sản phẩm thuận lợi do nhu cầu tiêu thụ hoa atiso cao, tôi mở rộng diện tích lên 1ha; đồng thời hợp đồng kinh tế với 5 hộ dân ở thôn Phường Hóp, 2 hộ dân thôn Đông Lâm, 3 hộ dân ở thôn Vĩnh Nguyên trồng thêm 1ha, nâng tổng diện tích lên 2ha/vụ và 4ha/năm”- ông Thạch cho biết thêm.
Hiện sản phẩm atiso đỏ của ông Thạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu độc quyền. Từ hoa atiso, gia đình ông chế biến ra các sản phẩm như: mứt atiso, nước cốt atiso với giá 80 ngàn đồng/1 lít.
Theo ông Nguyễn Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong An, vào mùa thu hoạch atiso đỏ, hộ ông Thạch đã giải quyết công ăn việc làm thời vụ cho nhiều người dân địa phương. Hiện gia đình ông Thạch cung cấp hoa atiso tươi và khô, tùy theo đơn đặt hàng của khách, với mức giá trung bình từ 10-15 ngàn đồng/kg hoa tươi; 350-400 ngàn đồng/kg hoa khô.
Với nhiều lợi ích, tác dụng cho sức khỏe, atiso đỏ là một trong những loại dược liệu, được khách hàng ưa chuộng, có thể thấy thành công ban đầu từ cây atiso đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình ông Lê Văn Thạch. Thời gian tới, ông Thạch sẽ tiếp tục hợp đồng thu mua hoa với các hộ dân khác để nhân rộng mô hình trồng cây atiso đỏ.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền thông tin, từ mô hình của gia đình ông Lê Văn Thạch cho thấy cây atiso đỏ hoàn toàn có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống trước kia. Đây được xem mô hình mới mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho bà con nông dân.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền về mô hình để người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho cây atiso đỏ để bà con nông dân yên tâm mở rộng mô hình, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", bà Quỳnh nói.