Triệt phá nhiều đường dây buôn lậu vũ khí, đưa phụ nữ qua Syria kết hôn

(PLO) -Một khối lượng lớn vũ khí và đạn dược đã được tuồn lậu vào Syria thông qua ngả Đông Âu, Balkan và Saudi Arabia, cũng như các quốc gia Trung Đông khác trước khi đến tay các nhóm chiến binh ở chiến trường Syria.
Thị trường vũ khí chợ đen Romania
Thị trường vũ khí chợ đen Romania

Các nguồn tin báo chí cho biết, hiện nay nhiều vũ khí và đạn dược, bao gồm súng trường AK-47, súng máy, lựu đạn, súng chống tăng... đã được chuyển qua các căn cứ quân sự và cảng biển ở Saudi Arabia trước khi được các đường dây buôn lậu vũ khí chuyển vào Syria.

“Xì thầu” luôn sẵn sàng

Những vũ khí, quân dụng chủ yếu đến từ Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Montenegro, Serbia, CH Séc, Romania... Các nguồn tin trên còn cho hay, ngoài hướng Saudi Arabia, các vũ khí buôn lậu dưới mác hàng viện trợ nhân đạo cũng được vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển đến các quốc gia Trung Đông như Jordan, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi được tuồn vào Syria. Hiện các biện pháp quốc tế về giám sát, kiểm soát xuất khẩu thiết bị quân sự và vũ khí tại khu vực này gần như bị "thả lỏng".

Phóng viên kênh truyền hình Anh Sky News đã tiến hành một cuộc điều tra, kết quả cho thấy sự tồn tại của một kênh buôn lậu vũ khí từ Ukraine thông qua Romania tới Tây Âu và Trung Đông. Theo kênh truyền hình này, sau nhiều tháng đàm phán, các nhà báo trong vai những tay buôn súng bất hợp pháp đã có thể tiếp cận với các thành viên của một băng đảng Romania chuyên buôn bán vũ khí.

Các phóng viên đã vô cùng quan ngại trước lời tuyên bố của bọn buôn lậu rằng, chúng sẵn sàng bán vũ khí cho bất cứ ai sẵn lòng trả tiền, bao gồm cả những kẻ khủng bố. Trong thùng xe của những tên cướp có rất nhiều các loại vũ khí khác nhau. Chúng khoe với những tay buôn súng (do nhà báo đóng giả) rằng, chúng có thể cung cấp hàng ngàn khẩu súng và đạn dược.

"Chúng tôi sẽ mang đến từ Ukraina các loại súng ống và đạn dược nhiều như các bạn muốn, với bất kỳ số lượng nào" – một tên trong băng cướp cho biết. Theo Sky News, các loại vũ khí được băng đảng này buôn lậu từ Ukraina đến Romania, sau đó được một băng đảng khác nhập lậu vào Tây Âu và Trung Đông. Tây Âu là điểm chính của việc giao nhận hàng.

Băng đảng Romania cho biết, chúng chỉ buôn bán các loại súng cá nhân, nhưng chúng có quan hệ chặt chẽ với các nhóm khác, chuyên về vũ khí hạng nặng, lựu đạn và mìn. Trong số các loại vũ khí mà bọn cướp chào hàng với các phóng viên có súng bắn tỉa, súng trường bán tự động, súng ngắn, súng săn và tiểu liên, với đầy đủ cơ số đạn đi kèm mỗi loại. Quả thực rất đáng lo ngại khi số vũ khí lậu này được chuyển tới Tây Âu rồi từ đây được chuyển sang Trung Đông, tới tay quân khủng bố thì vô cùng nguy hiểm.

Đưa quân phục, phụ nữ tới Trung Đông

Cảnh sát Tây Ban Nha mới đây cho biết, lực lượng này đã thu giữ khoảng 20.000 bộ quân phục đang chuẩn bị được chuyển cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Iraq và các nước Trung Đông. Theo thông báo của cảnh sát, những bộ quân phục trên được phát hiện trong 3 container hàng ở các cảng Valencia và Alicante, khi cảnh sát triệt phá đường dây buôn lậu vũ khí cho những phần tử Hồi giáo cực đoan dưới vỏ bọc viện trợ nhân đạo.

Cảnh sát cho biết, số lượng quân phục và trang bị được dán mác hàng đã qua sử dụng để qua mắt lực lượng Hải quan, 7 đối tượng liên quan đã bị bắt giữ. Không chỉ cung cấp vũ khí, quân tư trang, đường dây buôn lậu này còn thường xuyên liên hệ với các tổ chức khủng bố và đưa phụ nữ tới Syria để kết hôn với các phần tử cực đoan.

Lực lượng an ninh thành phố Al – Salamiyah, Syria vừa thu chiến lợi phẩm là lượng lớn vũ khí, đạn dược do các nhóm Hồi giáo cực đoan vận chuyển lậu đến những tổ chức thánh chiến ở Jabal Al-Zawiyah thuộc tỉnh Idlib. Vũ khí thu được chủ yếu là súng tiểu liên AK-47, súng máy, súng bắn tỉa cùng nhiều đạn các loại, từ đạn chống tăng cùng liều phóng, liều phóng đạn pháo, đạn súng máy.

Al Masdar News dẫn nguồn tin địa phương cho biết: lực lượng an ninh đã thực hiện trận phục kích đoàn xe có nhiều xe tải và xe máy trên tuyến đường chiến lược Salamiyah - đường Ithriya, tiêu diệt tất cả các tay súng bảo vệ, thu vũ khí.

Vũ khí cung cấp cho khủng bố ở Trung Đông
Vũ khí cung cấp cho khủng bố ở Trung Đông

Khó khăn trong ngăn ngừa

Nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa thông qua kế hoạch mở rộng phái bộ của quân đội nước này tại Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí cho các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức cực đoan khác ở Bắc Phi. Kế hoạch này cho thấy sự cần thiết trong ngăn chặn nạn buôn lậu súng vốn gây ra nhiều nhức nhối trên khắp Châu Âu lẫn Trung Đông, đặc biệt tại các thị trường chợ đen xung quanh khu vực biển Địa Trung Hải. 

Từ những năm 1980, các chuyên gia quân sự thế giới đã ước tính tổng giá trị của các thương vụ mua bán vũ khí bất hợp pháp vào thời điểm ấy đã lên tới 60 tỷ USD/năm, trong đó 80% là súng cá nhân. Theo các chuyên gia vũ khí LHQ, trên thế giới hiện có khoảng 200 triệu khẩu súng cá nhân mà nguồn gốc xuất phát từ thị trường chợ đen.

Phần lớn số súng này nằm trong tay những nhóm khủng bố, các tổ chức tôn giáo cực đoan, những phần tử nổi dậy chống chính phủ, các băng đảng xã hội đen, các nhóm cướp biển…, số còn lại là người dân tại những vùng đang xảy ra giao tranh ở Đông Âu, Trung Đông, Nam Á, Châu Phi…, mua để bảo vệ bản thân và gia đình mình.

Có thể nói, ở đâu có xung đột ở đó thị trường chợ đen vũ khí nổi lên. Đó là lý do vì sao các thị trường vũ khí chợ đen lớn nhất trên thế giới đều nằm quanh Địa Trung Hải, tiếp đến là Ukraine rồi Syria, Iraq, Afghanistan, Libya và sau này là Yemen.

Tại Balkans, sau những cuộc chiến tranh liên miên diễn ra vào thập niên 90 của thế kỷ trước, có khoảng 4 triệu khẩu súng không nằm trong sự kiểm soát của chính phủ các quốc gia trong vùng. Riêng Ukraine, con số này là 4,5 triệu khẩu. Ông George Uchaikin, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Hiệp hội chủ sở hữu súng Ukraine cho biết: "Bây giờ, mua súng ở thủ đô Kiev là chuyện rất đơn giản, giống như mua một gói thuốc lá". 

Tại Iraq, Afghanistan, với số tiền viện trợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ, quân đội hai quốc gia này thừa điều kiện để thay thế dòng súng chủ lực của bộ binh là AK47 bằng những loại khác hiện đại hơn. Lượng súng thừa một phần bị binh sĩ đánh cắp, bán ra thị trường chợ đen, còn hầu hết đều được thanh lý mà bên mua là những công ty kinh doanh vũ khí hợp pháp nhưng sau đó họ bán cho ai thì khó mà kiểm soát được. 

Trong khi đó, ở Lebanon, hồi năm 2015, đã có một lượng lớn vũ khí được chuyển đến thủ đô Tripoli của Lybia. Nguồn gốc cũng như điểm đến cuối cùng của số hàng này vẫn là điều bí ẩn. Theo các nguồn tin từ Cơ quan An ninh Lebanon, số vũ khí, chủ yếu là AK47 và súng chống tăng RPG có thể sẽ được đưa vào Syria để bán cho các nhóm nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, đồng thời cũng không loại trừ khả năng nó được bán cho IS.

Dù nước này đã có những nỗ lực trong chấm dứt nạn buôn lậu vũ khí bằng cách triển khai quân ở phía nam, dọc biên giới với Syria, nơi tổ chức Hezbollah đang hoạt động nhưng tình hình bất an ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đã tạo điều kiện cho thị trường vũ khí chợ đen nở rộ.

Trước những hoạt động buôn bán vũ khí trái phép diễn ra “sôi động” như vậy, việc giám sát biển Địa Trung Hải chỉ là một giải pháp tạm thời. Điều quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm hạn chế việc buôn bán tràn lan những công cụ có thể cướp đi mạng sống của con người.../.

Đọc thêm