Nảy ý tưởng từ bộ dụng cụ đình sản của Unfpa
Trong căn phòng làm việc nhỏ trên tầng hai, tuổi đã gần bát thập nhưng Thầy thuốc nhân dân, GS.TS.BSCC Nguyễn Đức Vy, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Nguyên Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Viện Phụ sản Đại học Y Hà Nội vẫn cần mẫn với công việc của ngành y. Biết người viết có ý muốn được tìm hiểu về sáng chế cần quay nâng tử cung, GS Vy cẩn thận lật dở từng tài liệu, vốn đã được cất giữ rất kỹ từ nhiều năm nay.
Giọng nói chậm rãi nhưng gọn gàng, chắc tiếng, GS Vy kể lại câu chuyện hơn 30 năm về trước. “Đó là những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX khi Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ dân số, một phụ nữ có số lần sinh đẻ từ 3 – 8 con là phổ biến với tổng tỷ suất sinh là 4,8 con/mẹ, đặc biệt là số 4 đến 5 con/mẹ chiếm tới 38.64%.
Trước áp lực dân số, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ là Phạm Văn Đồng phải ký quyết định về việc mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh từ 1 – 2 con để nâng cao chất lượng sống của người dân. Tôi với tư cách là bác sĩ khoa sản được đi dự các lớp tập huấn và chương trình về dân số, được các chuyên gia nước ngoài của tổ chức y tế thế giới hướng dẫn về cách mổ triệt sản cho cả nữ và nam.
Trong nhiều phương pháp triệt sản, chúng tôi đã chọn phương pháp triệt sản nữ để tiến hành tại địa phương và chọn một trong năm phương pháp thực tiễn, khả thi và có thể mở rộng tới cơ sở được là phương pháp dưới vô cảm nhẹ và gây tê tại chỗ, với đường rạch da nhỏ từ 2 – 5cm vào ổ bụng và tìm 2 vòi tử cung để cắt đoạn và thắt hai đầu lại gây tắc vòi tử cung Pomeroy gọi là Minilap – Pomeroy.
Sau đó, Qũy Dân số Liên hợp quốc, tổ chức Unfpa có hỗ trợ chúng tôi mỗi người một bộ dụng cụ triệt sản. Nhận được bộ dụng cụ đó, tôi quay trở về Hải Hưng rồi bắt đầu phẫu thuật cho người dân”.
Bộ dụng cụ triệt sản của tổ chức Unfpa chỉ bao gồm một giá đỡ cổ tử cung và một đầu nâng, được làm bằng thép không gỉ. Trong quá trình dùng bộ dụng cụ để phẫu thuật triệt sản cho người dân, bác sĩ Vy mới nhận thấy bộ dụng cụ này có nhiều hạn chế, nếu phẫu thuật viên không làm cẩn thận có thể gây thủng, gây sang chấn cổ tử cung của chị em.
“Từ những hạn chế đó, tôi tự hỏi tại sao không thiết kế một dụng cụ vừa cố định được cần nâng tử cung, vừa quay được tử cung theo ý muốn của phẫu thuật viên? Vì với dụng cụ mà tổ chức Unfpa đưa cho, một tay phải giữ bộ giá đỡ tử cung, tay kia lại giữ đầu nâng rất bất tiện.
Chưa kể những lúc đầu nâng và bộ giá đỡ bị xô đẩy, hay chỉ cần một cái nhích tay vô tình cũng có thể làm thủng tử cung của chị em. Và khi mổ vẫn phải cho tay vào ổ bụng để tìm 2 vòi tử cung, do đó vết mổ phải mở rộng gây đau đớn cho chị em.
Vậy nên tôi nghĩ ra cách làm bộ cánh cụp cánh xòe để vừa cố định cần nâng, là những lỗ dùi trên dây đồng nhỏ và buộc bằng dây thép vừa quay được tử cung theo ý muốn của người phẫu thuật. Và cần nâng phải đưa lên đưa xuống dễ dàng, có cả thước đo để đo khoảng cách nâng tử cung cho chính xác”, GS Vy cho biết.
Nhờ sáng chế, phẫu thuật 30 phút chỉ còn 5 phút
Từ ý tưởng đó, GS Vy đã tự thiết kế mô hình rồi đến nhờ một người thợ kim hoàn. Sau 2 lần thử nghiệm, mô hình đã thành công. Vậy là từ một giá đỡ cổ tử cung cùng với đầu nâng, GS Vy đã thiết kế thêm bộ cánh cụp cánh xòe, thước đo, cần đưa lên đưa xuống nhờ vào 2 vít vô định.
GS Vy tươi cười cho biết: “Ý tưởng cánh cụp cánh xòe là do lúc đó tôi liên tưởng đến máy bay của địch”.
Nếu như với bộ dụng cụ của tổ chức Unfpa đưa cho phải mất 30 phút mới phẫu thuật xong một bệnh nhân thì với bộ cần nâng tử cung do GS Vy sáng chế chỉ phẫu thuật hết 5 phút, người nào bụng dầy và béo lắm thì cũng chỉ mất đến 7 phút. Đặc biệt, bộ dụng cụ sáng chế này ít tai biến hơn nhiều so với bộ dụng cụ ban đầu.
|
Tính từ lúc sáng chế ra cần quay nâng tử cung cho đến lúc được nhận bằng sáng chế, GS Vy đã thực hiện thành công 16.000 ca mổ đình sản, không có ca nào bị tai biến, không ca nào bị chửa ngoài dạ con.
Sau khi được cấp bằng sáng chế, xí nghiệp y cụ 2 đã hợp tác cùng GS Vy sản xuất thành bộ dụng cụ để lưu hành trên toàn quốc. Nhân dịp này, GS Vy đã yêu cầu làm thêm bộ dụng cụ có đầu cong để phẫu thuật cho những chị em có vị trí tử cung bị ngả. Sáng chế cũng được chọn đưa đi triển lãm quốc tế 17 nước ở Matxcova và nhận được huy chương Bạc tại Hội chợ.
Từ triệt sản đến nối vòi trứng cho chị em
Sau khi thực hiện triệt sản cho chị em phụ nữ để giảm tải dân số, một thời gian sau, GS Vy bất ngờ chứng kiến một hoàn cảnh thương tâm. Đó là trường hợp của chị Nhường ở Chi Lăng, Thanh Miện, Hải Dương.
Trước đó, chị Nhường đã thực hiện triệt sản sau khi đã có hai con, nhưng chẳng may một con bị chết đuối. Chị Nhường đã đến gặp bác sĩ Vy trình bày mong muốn được đẻ thêm một đứa con nữa.
Sau khi chụp film, vòi tử cung đã triệt sản và khám sức khỏe, làm các xét nghiệm cần thiết, chị Nhường đã được bác sĩ Vy nối lại hai vòi tử cung bằng kỹ thuật vi phẫu. Sau khi nối lại hai vòi tử cung được 6 tháng thì chị có thai lại và rồi một cháu bé kháu khỉnh đã được sinh ra.
GS Vy tâm sự: “Trong ca mổ của chị Nhường, cái khó khăn là làm sao để có được kim, chỉ vi phẫu cho việc khâu nối lại vòi tử cung trong hoàn cảnh công tác tại một bệnh viện đa khoa trung tâm của tỉnh?.
Cũng may do có kinh nghiệm đã được làm ngoại khoa hàng chục năm, đã quen với việc mổ tiêu hóa, tiết niệu và đôi khi cả chấn thương sọ não, mạch máu, niệu quản nên chúng tôi đã xin được kim, chỉ liền kim loại 5 đến 6 số không của khoa Mắt rất phù hợp với vi phẫu”.
Từ triệt sản nữ, tức là thôi đẻ do làm tắc 2 vòi tử cung chủ động, đến việc nối lại vòi tử cung để hồi phục chức năng sinh đẻ là một quá trình hàng chục năm GS Vy phải nghiên cứu, thực hành.
Sau khi nối thành công vòi tử cung cho chị Nhường năm 1996, đến đầu tháng 4 năm 1998 trong buổi đi buồng thăm người bệnh GS Vy lại vô tình biết đến một trường hợp rất éo le và thương cảm ở Nghệ An. Đó là trường hợp một người phụ nữ ở Thiệu Nguyên, Thịnh Sơn, Nghệ An có 2 con trai nhỏ đều bị chết đuối do lũ quét, nay muốn sinh thêm con để bù đắp lại sự mất mát lớn lao trên nhưng vì đã triệt sản nên cần phải nối lại vòi tử cung.
Sau thành công của ca phẫu thuật, một năm sau, người phụ nữ trên đã báo tin mừng khi đã sinh được một đứa con khỏe mạnh và sau đó, chị còn sinh tiếp một đứa con kháu khỉnh khỏe mạnh nữa.
Sau khi có kết quả rõ ràng về vi phẫu nối vòi tử cung, bệnh nhân đến khám và chữa vô sinh ngày càng đông. Đó là niềm vui, là thành công lớn trong sự nghiệp cứu người của GS Vy và cũng là mốc đánh dấu sự phát triển của nền y học nước nhà.