Người có trái tim bên phải
Tìm đường vào nhà anh Nguyễn Văn Trường (SN 1971, ngụ xóm Hàm Rồng, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) rất “dễ dàng” bởi dường như từ trẻ con đến người lớn tuổi, ai cũng biết tới anh Trường. Họ gọi anh là “người đặc biệt”, “người đàn ông vui vẻ”.
“Ở đây, ai mà không biết anh Trường. Anh ấy có trái tim ở bên phải, khác với mọi người ở đây nên ai cũng bảo anh ấy là người đặc biệt”, một người dân vừa chỉ đường vừa cung cấp cho chúng tôi hay.
Trong ngôi nhà nhỏ bán hàng tạp hóa ngay trước cổng trường tiểu học Hùng Sơn, anh Trường vừa rót chén nước vừa tiếp chuyện chúng tôi trong không khí vui vẻ và cởi mở. Kể về việc mình có trái tim ở bên phải, anh tâm sự: “Mãi cho đến năm 2005 tôi mới biết mình đặc biệt sau một lần thập tử nhất sinh”.
Anh Trường sinh ra trong một gia đình đông anh em. Anh là con thứ bảy nhưng lại là trưởng nam. Khi bố mẹ lần lượt qua đời, các chị gái cũng đi lấy chồng, chỉ có hai anh em đùm bọc nhau. Lúc bần hàn, chia nhau từng miếng cơm manh áo nhưng khi lớn lên, mỗi người có một chí hướng khác nhau.
Trong khi anh Trường theo các chuyến xe khách thiên lý bắc nam mưu sinh thì người em ở nhà lo hương khói cho bố mẹ lại đua đòi, ăn chơi lêu lổng. Phát hiện em trai mình dính vào ma túy, anh Trường đã tìm mọi cách cai nghiện cho em nhưng bất thành.
Trái lại, em trai anh lại đâm ra thù tức và luôn tìm cách sinh sự mỗi khi thấy anh mình xuất hiện. Sáng ngày 31/5/2005, anh Trường đang ngồi uống nước thì thấy em trai mình mặt hầm hầm đi tới. Lấy cớ anh trai không công bằng trong việc chia lại đất đai do cha mẹ để lại, cậu em chẳng nói chẳng rằng đập phá đồ đạc trong gia đình anh trai.
Khi mọi người và anh Trường ra ngăn cản, cậu em càng điên cuồng hơn. Trong lúc hai anh em giằng co, anh Trường bất ngờ bị em trai rút một con dao nhọn (loại gọt hoa quả - PV) từ phía sau lưng đâm thẳng vào ngực trái.
Cú đâm bất ngờ, lại vào chỗ hiểm nên anh Trường chỉ kịp kêu “ối” một tiếng rồi ngã lăn xuống đất. Mọi người có mặt ai nấy đều hết hồn, vội vàng đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi cầm máu, các bác sĩ thông báo nhát đâm rất sâu và chắc chắn đã ghim thẳng vào tim nên gia đình chuẩn bị lo hậu sự cho nạn nhân là vừa. Chị Nguyễn Thị Thúy (vợ anh Trường) nhớ lại giây phút đó: “Nghe bác sĩ thông báo tôi bủn rủn cả chân tay. Các bác có mặt thì chỉ biết ôm mặt khóc. Lúc đó, tôi đang mang thai cháu thứ 3 nên chỉ cầu trời khấn phật cho anh ấy tai qua nạn khỏi”.
Khoảng nửa tiếng sau khi cấp cứu, gia đình vẫn còn đau buồn, không khí ảo não, buồn bã bao trùm khắp căn phòng nhỏ. Thấy bác sĩ đi ra, chị Thúy càng hốt hoảng hơn: “Các chị tôi chạy vội ra hỏi bác sĩ có phải nhà tôi đã qua đời hay không?
Lúc đó, tôi không còn đủ dũng khí và can đảm để nghe điều tồi tệ nhất chuẩn bị xảy đến với mình và các con”. Tuy nhiên, vị bác sĩ lại nở nụ cười tươi: “Tim anh ấy vẫn còn đập, dù hơi yếu nhưng hy vọng sống sót là cao. Chúng tôi đang tiến hành chụp Xquang lồng ngực của bệnh nhân”.
Trực cấp cứu khi đó và cũng là phó Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên, anh Trần Ngọc Đức nhớ lại câu chuyện lần đầu tiên trong đời mình bắt gặp. Anh cho biết: “Tôi và nhiều y tá, bác sĩ hôm đó tin rằng với nhát đâm chí mạng như vậy, anh Trường khó lòng qua khỏi. Khoảng 10 phút sau, thấy nhịp tim vẫn đập và vẫn duy trì khoảng 80 nhịp/phút nên anh em cán bộ vô cùng ngạc nhiên. Tôi vội vàng cử cán bộ đưa bệnh nhân đi chụp Xquang.
Một lát sau, một y tá quay lại với vẻ mặt ngạc nhiên: “Anh ơi, bệnh nhân này tim ở bên phải anh ạ”. Tôi xem lại kết quả thì cũng ngạc nhiên không kém. Tôi vội chạy ra ngoài thông báo cho gia đình họ, mặt ai nấy vui mừng, hớn hở. Vợ bệnh nhân còn kéo tay tôi hỏi: “Có thật chồng em sống lại rồi không?”.
Người đàn ông vui vẻ và trách nhiệm
May mắn thoát chết một cách thần kỳ, anh Trường nói: “Tôi cũng không ngờ mình có tim ở bên phải. Sau biến cố ấy mới khám phá ra mình khác với người bình thường. Từ đó, mọi người gọi tôi là người đặc biệt sau khi biết chuyện như vậy”.
Từ ngày biết mình có cơ quan nội tạng nằm ở bên phải lồng ngực, anh Trường ban đầu còn lo sợ vì không biết cấu tạo cơ thể mình như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe không. Một tháng sau tai nạn, anh đi khám lại thì các bác sĩ kết luận anh hoàn toàn bình thường.
Thậm chí, các y bác sĩ sau khi biết anh từ bé tới giờ chưa ốm đau bao giờ thì rất ngạc nhiên. Trước khi ra về, anh Trường được căn dặn phải đặc biệt lưu ý đến những biểu hiện khác thường đối với cơ thể mình bởi nó sẽ hoàn toàn ngược lại. “Khó khăn nhất đối với tôi bây giờ là lúc nào cũng nghĩ là mình vẫn có tim bên trái”, anh Trường vừa nói vừa cười.
Sau khi anh Trường tai qua nạn khỏi, em trai anh đã đến xin lỗi và hứa sẽ cai nghiện, làm lại cuộc đời. Thương em, thương nhiều hoàn cảnh khác cũng vì ham chơi, đua đòi mà vướng vào ma túy, anh Trường vận động nhiều anh em, bà con thôn xóm đưa con em đi cai nghiện tập trung. Nhiều trường hợp vốn nổi tiếng “lỳ lợm” nhưng khi được anh Trường thuyết phục đã đồng ý đi cai nghiện.
Bên cạnh đó, người đàn ông đặc biệt của xóm Hàm Rồng còn thường xuyên giúp đỡ bà con lối xóm trong mọi công việc. Hễ ai có việc cần nhờ giúp đỡ, anh Trường đều vui vẻ, nhiệt tình khiến mọi người nấy đều quý mến, tin tưởng.
Nói về chồng, chị Thúy cười: “Anh ấy là người vui vẻ, dễ gần. Duyên phận trói buộc hai chúng tôi với nhau. Sau tai nạn, tôi đã không mất anh ấy vì một phép màu mà không phải ai cũng có. Giờ đây, hai vợ chồng tôi động viên nhau nuôi ba con ăn học thành người”.
Vợ chồng anh Trường có 3 con gái, tất cả đều ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Bà Nguyễn Thị Tình (Trưởng thôn Hàm Rồng) nói: “Gia đình anh Trường ở thôn này ai mà chả biết. Nhiều người dân các xã lân cận cũng biết anh ấy vì có tim ở bên phải nhưng với chúng tôi, anh ấy là một công dân trách nhiệm, hòa đồng và vui vẻ”.
Ôm cô con gái út vào lòng, anh Trường tâm sự: “Niềm vui lớn nhất với tôi giờ đây là các con. Các con mới là những điều đặc biệt nhất mà tôi đang có”.
Cứ 1,3 triệu người dân Việt Nam có 1 người có trái tim bên phải
Vào những thế kỷ trước, khi y học còn chưa phát triển, chỉ riêng chuyện trái tim nằm bên phải lồng ngực đã được coi là kỳ lạ, nó thuộc về một “thế giới bí ẩn” mà con người không hiểu nổi.
Hiện tượng này được phát hiện từ năm 1606 trong một công trình nghiên cứu của Fabius, nhưng suốt thế kỷ XVII người ta cũng chỉ ghi nhận được 3 trường hợp, trong đó có hoàng hậu nước Pháp là Marie de Médicis (1573 - 1642) và xung quanh những nhân vật này, người ta đã xây dựng bao huyền thoại. Các nhà y học gọi hiện tượng này là “dextrocardia”, nghĩa là “trái tim nằm bên phải”.
Từ thế kỷ XIX, nhờ những thiết bị y học ngày càng tinh xảo, người ta có thể phát hiện được những quả tim nằm không đúng chỗ một cách dễ dàng và nhận thấy những người có trái tim nằm bên phải lồng ngực không phải hiếm.
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện nay riêng ở Singapore, một đất nước nhỏ bé vùng Đông Nam Á, đã có khoảng 0,1% dân số đang sống với trái tim ở bên phải lồng ngực. Hầu hết những người này đều khỏe mạnh bình thường. Theo khảo sát của Bộ y tế năm 2010, cứ 1,3 triệu người Việt Nam thì có 1 người có trái tim bên phải.