Triệu 'sắc cam' bình đẳng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian này có thể bắt gặp sắc cam ở nhiều nơi. Màu cam đã được Liên hợp quốc chọn là màu của “Chiến dịch toàn cầu về chấm dứt bạo lực giới” vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hi vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Trận bóng đá “Tô cam giấc mơ” mang đến thông điệp kết nối cộng đồng, cải thiện sức khỏe, giải tỏa áp lực và kiểm soát những hành vi bạo lực. (Ảnh: Huyền Trang)
Trận bóng đá “Tô cam giấc mơ” mang đến thông điệp kết nối cộng đồng, cải thiện sức khỏe, giải tỏa áp lực và kiểm soát những hành vi bạo lực. (Ảnh: Huyền Trang)

Màu cam "lan tràn" bởi ngày 15/11 đến ngày 15/12 là Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Không bạo lực là ước nguyện chính đáng của mỗi người

Không chỉ thế, màu cam cũng là màu sắc gây sự chú ý cao, thể hiện cấp độ nguy hiểm và đáng báo động của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và hàng triệu trẻ em trên toàn cầu. Có thể nói trên thế giới và Việt Nam, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em vẫn đã và đang là vấn nạn.

Tại Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức trong 2 ngày 16 và 17/11/2023 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa phòng ngừa, kiểm soát và kéo giảm so với mục tiêu đặt ra, vẫn còn xảy ra các vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội. Từ năm 2020 đến hết tháng 9 năm 2023, cả nước phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em, trong đó số vụ xâm tình dục trẻ em chiếm trên 80%...

Theo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (2019), cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ từng chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Trong khi đó, Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ năm 2020 - 2021 chỉ ra rằng, hơn 68% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực.

Trước thực trạng này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Năm 2023, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới lựa chọn chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Một thế giới hòa bình, không có bạo lực, dịch bệnh, đói nghèo, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và tràn ngập tình nhân ái là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng ấy chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu tất cả chúng ta cùng chung tay vun đắp với sự hiểu biết, trách nhiệm và tình yêu thương. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội”.

Gióng lên lời kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ

Không chỉ là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hi vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, màu cam còn gióng lên lời kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan nhằm xóa bỏ vấn nạn bạo lực giới khi được Liên hợp quốc lựa chọn.

Năm 2023, Vietnam Airlines triển khai 2 chuyến bay đặc biệt “Tô cam bầu trời” chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc) để hòa sắc cam cùng chiến dịch “Tô cam thế giới” - đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, diễn ra từ 15/11 - 15/12 trên phạm vi toàn cầu. Đây là lần thứ hai Hãng hàng không quốc gia đồng hành hưởng ứng thông qua hoạt động “Chuyến bay tô cam”.

Đặc biệt, trên chuyến bay, ở độ cao 10.000m, những mẫu áo dài nằm trong bộ sưu tập “Happy Life - Cuộc sống hạnh phúc” của nhà thiết kế dân tộc Tày Vũ Thảo Giang đã được trình diễn. Bộ sưu tập gồm 16 áo dài sử dụng hình ảnh của 16 di sản Việt Nam được UNESCO ghi danh, tương ứng với 16 thông điệp hành động phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang chia sẻ về tên gọi bộ sưu tập “Cuộc sống hạnh phúc - Happy life” nghe rất đỗi bình thường nhưng đó lại là ước mơ của bao người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em - những đối tượng thường yếu thế, nạn nhân bạo lực gia đình.

Ở lĩnh vực thể thao, gần 100 học sinh đến từ Hà Giang và Hà Nội đã có cơ hội được đá bóng, giao lưu cùng các cầu thủ của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam và huấn luyện viên Mai Đức Chung tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Trận bóng đá giao hữu với tên gọi “Tô cam giấc mơ - Đoàn kết nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”.

Ngoài việc tham gia và cổ vũ cho trận bóng đá giao hữu, các em học sinh tại Hà Nội và Hà Giang còn có cơ hội giao lưu, trò chuyện với các nữ tuyển thủ bóng đá quốc gia Việt Nam như Thanh Nhã, Hải Yến, Vũ Thị Hoa, hai cựu cầu thủ Hiền Lương, Minh Nguyệt và trọng tài nữ FIFA đầu tiên Bùi Thị Thu Trang. Họ là những hình mẫu tiêu biểu về phụ nữ trong thể thao Việt Nam, cho thấy tiềm năng không giới hạn của phụ nữ và trẻ em gái...

Không chỉ là những hoạt động trong Tháng hành động, tại Việt Nam, các hoạt động nhằm xóa bỏ vấn nạn bạo lực giới đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên cả nước. Báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH tại Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em vừa qua cho thấy, sau 3 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1863/QĐ- TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức liên quan đã được triển khai mạnh mẽ.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ Công an, GD&ĐT, Y tế xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; 17 tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại; 63/63 địa phương đã bố trí kinh phí cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em, một số địa phương bố trí kinh phí tăng hằng năm...

Đọc thêm