Theo AFP, đây là lần đầu tiên Triều Tiên đề nghị trực tiếp với Mỹ về việc thảo luận phi hạt nhân hóa. Trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã đưa ra đề nghị tương tự với Mỹ nhưng thông qua cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc Chung Eui-yong. “Phía Mỹ xác nhận rằng ông Kim Jong Un sẵn sàng thảo luận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”, một quan chức trong Chính phủ của ông Trump ngày 8/4 tiết lộ với tờ The Wall Street Journal và Washington Post.
Hồi tháng trước, Washington đã khiến các nhà chuyên gia về chính sách đối ngoại bất ngờ khi thông báo cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và ông Trump vào cuối tháng 5 tới. Quyết định nhận lời mời đàm phán với Triều Tiên của ông Trump cũng đã khiến ngay cả đội ngũ của ông bất ngờ. Tuy nhiên, kể từ đó, Bình Nhưỡng đã không có bất cứ thông báo nào, dấy lên những đồn đoán cho rằng giới chức Mỹ lo ngại Hàn Quốc đã nói quá về việc Triều Tiên sẵn sàng đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của mình. Cho đến nay, các bên cũng chưa đưa ra bất cứ thông tin cụ thể nào về thời gian hay địa điểm sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Nhiều người đến nay vẫn hoài nghi về việc hội nghị sẽ diễn ra thành công. Theo các nhà quan sát, Washington sẽ chỉ chấp nhận Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ kho hạt nhân, chương trình làm giàu nhiên liệu và tên lửa đạn đạo của nước này. Song, ông Kim được dự báo sẽ yêu cầu phi hạt nhân hóa bao gồm việc Mỹ rút lại lời hứa về một chiếc ô hạt nhân nhằm ngăn chặn những vụ tấn công nước đồng minh Hàn Quốc của nước này. Bên cạnh đó, ông Kim cũng được cho là sẽ nhắc lại yêu cầu Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, yêu cầu được cho là khó có thể chấp nhận với các Tổng thống Mỹ trước đây.
Thông tin về đề nghị của Triều Tiên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi 2 miền Triều Tiên đã có cuộc gặp cấp làm việc nhằm thống nhất các văn kiện, biện pháp an ninh và tuyên truyền về hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tới. Tiếp sau cuộc gặp này, vào ngày 14/4 tới, một nhóm các quan chức từ 2 miền Triều Tiên cũng sẽ có thêm một cuộc họp để bàn về một vòng đàm phán cấp làm việc nữa nhằm thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo 2 nước.
Theo Reuters, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã hoan nghênh liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên. Một quan chức Hàn Quốc đánh giá đây là một diễn biến tích cực. Một quan chức giấu tên khác thì cho biết, thông tin mà Hàn Quốc nhận được cho thấy liên hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đang tiến triển tốt đẹp. Song, người này không biết về mức độ chia sẻ thông tin giữa 2 nước.
Ngày 94, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ John Bolton chính thức nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump còn đến ngày 12/4 tới, Thượng viện Mỹ sẽ điều trần chuẩn thuận ông Mike Pompeo giữ chức Ngoại trưởng Mỹ theo đề cử của ông Trump. Cả 2 người này đều có quan điểm cứng rắn về Triều Tiên.
Trong một diễn biến có liên quan đến vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc ngày 9/4 đã cấm xuất khẩu sang Triều Tiên 32 mặt hàng lưỡng dụng có thể được sử dụng trong việc phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. AFP dẫn thông tin từ Bộ thương mại Trung Quốc cho biết, trong danh sách các mặt hàng bị cấm xuất khẩu có thiết bị và phần mềm giám sát bức xạ có thể được sử dụng để mô phỏng động lực học chất lỏng.
Việc cấm các thiết bị này được thực hiện theo nghị quyết được Hội đồng bảo an LHQ thông qua hồi tháng 9 năm ngoái nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Lệnh cấm này cũng áp dụng với các mặt hàng lưỡng dụng có thể được sử dụng trong việc phát triển vũ khí thông thường.
Lệnh cấm được đưa ra sau khi Trung Quốc thời gian qua đã ủng hộ hàng loạt các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ nỗ lực hạt nhân của nước này. Thống kế của hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này tới Triều Tiên trong tháng 2 vừa qua đã giảm 32,4% so với cùng kỳ.