Theo New York Times, việc Triều Tiên đẩy mạnh nhanh chóng năng lực phát triển hạt nhân đã làm xáo trộn những tính toán quân sự trong khu vực. Lần đầu tiên kể từ nhiều năm trở lại đây, người dân ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản đang thường xuyên tranh luận về lựa chọn hạt nhân do lo ngại Mỹ có thể sẽ do dự trong việc bảo vệ các nước này vì lo ngại thúc đẩy Triều Tiên phóng tên lửa tới Los Angeles hoặc Washington.
Tại Hàn Quốc, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy có đến 60% người dân ủng hộ việc phát triển vũ khí hạt nhân và gần 70% muốn Mỹ đưa lại các vũ khí hạt nhân chiến thuật vào các chương trình chiến đấu sau khi chương trình này được rút bỏ 1/4 thế kỷ trước. Còn tại Nhật Bản - nước duy nhất trên thế giới từng bị tấn công hạt nhân - số người ủng hộ vũ khí hạt nhân vẫn rất nhỏ. Song, các chuyên gia cho rằng quan điểm của người dân có thể sẽ thay đổi nhanh chóng nếu Triều Tiên và Hàn Quốc đều có kho vũ khí hạt nhân của riêng họ.
Thời gian qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tích cực vận động xây dựng lực lượng quân đội nước này nhằm đối phó với đe dọa từ Triều Tiên. Tại cuộc bầu cử Quốc hội hôm 22/10 vừa qua, ông Abe đã giành được thắng lợi lớn, dấy lên những hy vọng của ông về việc sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật. Ông Charles D. Ferguson – Chủ tịch Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ - năm 2015 ước tính Hàn Quốc có khoảng 24 lò phản ứng hạt nhân và kho nhiên liệu đã qua sử dụng có thể chế plutonium đủ để sản xuất 4.300 quả bom. Nhật Bản hiện cũng có khoảng 10 tấn plutonium ở trong nước và 37 tấn ở nước ngoài.
Ngoài Hàn Quốc và Nhật Bản, tại các nước khác như Australia, Myanmar… cũng đang nổ ra những cuộc bàn thảo về việc liệu có nên tiếp tục duy trì tình trạng không có vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị các nước khác đe dọa, dấy lên những lo ngại rằng Triều Tiên có thể gây ra một chuỗi phản ứng, trong đó nước này nối tiếp nước khác cảm thấy bị đe dọa và bắt tay vào việc phát triển bom hạt nhân của riêng họ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Henry A. Kissinger – một trong số ít những chuyên gia hạt nhân từ những ngày đầu Chiến tranh Lạnh hiện còn sống – cho biết ông không nghi ngờ về khả năng viễn cảnh nói trên trở thành thực tế. “Nếu Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ lan rộng ra ở các nước còn lại tại châu Á. Triều Tiên trở thành nước có vũ khí hạt nhân mà Hàn Quốc không tìm cách để sở hữu vũ khí đó là điều không thể. Nhật Bản cũng vậy. Điều tôi nói đến ở đây là việc phổ biến vũ khí hạt nhân”, ông Kissinger nói.
Thực ra, trước đây, những lo ngại như vậy cũng đã được đề cập. Tuy nhiên, tình thế hiện nay có khác. Triều Tiên đang thử thách năng lực bảo vệ hạt nhân của Mỹ - tức cam kết bảo vệ các nước đồng minh bằng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết – theo cách thức mà không một nước nào trong nhiều thập kỷ trở lại đây đặt ra. Thêm vào đó, những tuyên bố và hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua cũng làm gia tăng tình trạng bất an trong khu vực. Trong phát biểu khi tranh cử, ông Trump cũng thẳng thắn nói sẽ để Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Vấn đề duy nhất hiện ngăn các nước phát triển vũ khí hạt nhân là quan điểm chính trị và nguy cơ bị quốc tế trừng phạt vì cả 2 nước này đều đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.