vang bóng một thời

Trịnh Công Sơn và mối duyên tình 37 năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người con gái xứ Huế - Dao Ánh được xem là người tình đẹp nhất trong số các mối tình của Trịnh Công Sơn và cũng là “bóng hồng” trong 300 bức thư tình của nhạc sĩ họ Trịnh qua 37 năm từ khi gặp gỡ đến cuối đời. Những ca khúc nổi tiếng như: Còn tuổi nào cho em, Lặng lẽ nơi này, Mưa hồng, Tuổi đá buồn… ông đều viết tặng Dao Ánh.
Dao Ánh bên Trịnh Công Sơn (phía sau) năm bà 16 tuổi.
Dao Ánh bên Trịnh Công Sơn (phía sau) năm bà 16 tuổi.

“Rất mong thư Ánh mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm”…

Theo chia sẻ của bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của Trịnh Công Sơn thì Dao Ánh là “người gốc Bắc, đẹp, cao, duyên dáng, sang trọng và tính tình rất dịu dàng. Chị không thích ồn ào, không thích đám đông và sống nội tâm, kín đáo, rất hợp với anh Sơn”.

Trong những bức thư gửi cho Dao Ánh, Trịnh Công Sơn luôn thể hiện nỗi nhớ thương da diết dành cho người yêu bé nhỏ: “… Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.

Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa, ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.

Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng... Rất mong thư Ánh mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi tháng, mỗi năm...” (trích bức thư Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh ngày 16/2/1965).

“Anh bây giờ đang có một điều cần nhất là: Yêu Ánh vô cùng. Anh đang nhớ lắm đây. Tình yêu đó bỗng đổi dạng như một phép lạ...” (thư gửi ngày 16/9/1966).

Cũng giống như những mối tình khác, Trịnh Công Sơn và Dao Ánh cũng có những khoảng thời gian giận hờn, trách móc. Dao Ánh đã từng dùng lời một bài hát tiếng Pháp để gửi cho Trịnh: “Em sẽ đợi giông tố và gió mưa về để khóc. Em mãi yêu anh nhưng anh chẳng màng gì tới nỗi buồn của em. Và em sẽ khóc dưới mưa đây”.

Khi nhận lời trách móc đầy yêu thương của người yêu bé nhỏ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng trích dẫn một câu nói tiếng Pháp trong cuốn Khung cửa hẹp của Andre Gide: “Ngày ngày ngọn gió đời vẫn thổi nhưng chưa bao giờ thổi tắt được tình yêu”.

Tuy vậy, sau gần 4 năm gắn bó, Trịnh Công Sơn biết rằng không thể cho Dao Ánh một mái ấm gia đình như cô mong muốn, nên ông chủ động chia tay và nhận hết tội lỗi về mình. Trịnh viết: “Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…”.

Ngô Vũ Dao Ánh là cô gái gốc Hà Nội nhưng theo cha vào Huế sinh sống từ năm 1952. Cha bà là Giáo sư Ngô Đốc Khánh, dạy tiếng Pháp ở Trường Quốc học.

Bà cũng là em gái ruột của Ngô Vũ Bích Diễm - người mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng yêu và viết tặng ca khúc đầu tiên “Diễm xưa”. Thời điểm nhạc sĩ hụt hẫng khi phải từ bỏ với Bích Diễm, Dao Ánh mới chỉ là cô bé 15 tuổi đã viết thư động viên Trịnh Công Sơn. Họ bắt đầu thân thiết với nhau kể từ đó.

Năm ngoái, khi bộ phim điện ảnh thứ hai về Trịnh công chiếu với nhiều tranh cãi trong “Em và Trịnh”. Tuy nhiên, hình ảnh ông bố được xem là rất gần với đời thực. Theo đó, ông Ngô Đốc Khánh luôn cấm đoán chuyện tình cảm của hai con gái với nhạc sĩ vì cho rằng, Trịnh Công Sơn không thể lo được cho các con gái ông một cuộc đời ấm êm, yên ổn.

Phân cảnh ông Đốc Khánh chạy ra tận ga ngăn cản Dao Ánh bắt tàu vào Sài Gòn theo Trịnh, ông Đốc Khánh nói với con gái Dao Ánh: “Tình yêu chỉ cần vài khoảnh khắc. Nhưng để ở với nhau, phải nỗ lực cả đời”. Phải đi qua rất nhiều trải nghiệm, người cha mới có thể nói với con gái những lời gan ruột như thế. Sau câu nói này của cha, Dao Ánh từ bỏ ý định vào Sài Gòn.

Dao Ánh và Trịnh Công Sơn.

Dao Ánh và Trịnh Công Sơn.

Ông Ngô Đốc Khánh vốn là ông giáo gốc Bắc dạy Pháp văn có tiếng tại Trường Đồng Khánh và Quốc học Huế. Trịnh Công Sơn khi đó vì biến cố gia đình nên mới chỉ tốt nghiệp tú tài tại trường Tây ở Sài Gòn, sau lại theo học ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại Trường Sư phạm Quy Nhơn.

Thời ấy, những cô gái đẹp, xuất thân gia giáo ở Huế thường được gả cho những người thành đạt, sự nghiệp vững chắc. Họ không dám cãi lời nên sớm muộn gì cũng sẽ phải thuận theo cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt…

Và những hồi đáp

Sau khi chia tay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dao Ánh sang Mỹ và lập gia đình. Dù vậy, họ vẫn giữ liên lạc với nhau.

Sau 20 năm xa cách, Dao Ánh trở về Việt Nam. Gặp lại người yêu cũ, nhạc sĩ viết tặng bà ca khúc Xin trả nợ người, trong đó có những lời đầy day dứt: “Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình...”.

Khi trở lại Mỹ, Dao Ánh ly hôn.

Năm 2011, 10 năm sau ngày Trịnh rời cõi tạm, gia đình ông và Dao Ánh đã cho xuất bản cuốn sách Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người. Bức thư cuối được đề cập trong quyển sách không phải được Trịnh Công Sơn viết tay như 299 bức thư khác, đó là một chiếc email với nội dung hỏi thăm sức khỏe Dao Ánh và cập nhật tình hình của ông, email được gửi đi vào ngày 17/1/2001, vài tháng trước khi ông qua đời.

“Ngày 17 tháng 1 năm 2001

From: trinhcongson trinhcongson@tlnet.com.vn

To: anhv@pocketmail.com

Date: Wednesday, January 17, 2001 11:30 AM

Subject: Thư cho Dao Ánh

Dao Ánh,

Lâu quá không có tin tức gì của Ánh, không biết tình hình đời sống thế nào?

Nhân năm mới chúc Ánh có được những niềm vui mới. Bao giờ thì có thể thu xếp về Việt Nam được? Vừa rồi đường lên cao đột ngột, mình phải vào bệnh viện, hiện đã về nhà chích thuốc, điều chỉnh lại lượng đường trong máu. Bao giờ đường ổn định thì mới tính đến chuyện đi xa được.

Trinh về lại đây có kể lại chuyện ở lại nhà Ánh. Rất vui nghe nói Ánh sức khỏe bình thường mình cũng ngủ yên tâm. Càng sống, càng thấy có được một cuộc sống luôn luôn bình thường là điều may mắn lắm rồi. Cố gắng tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt nhất để cảm thấy đời nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn.

Lâu nay có điều kiện đi du lịch đâu xa không? Có đầy đủ sức khỏe để đi được nơi này, nơi nọ là quý lắm. Mình lúc này quá lời, nên chuyến đi xa không hề nghĩ đến.

Mong gặp lại Ánh ở Sài Gòn trong những ngày sắp tới. Một lần nữa, chúc Ánh có được một cái Tết thú vị, dù chỉ một mình hay với nhiều người”.

Dù đã quyết định chấm dứt tình yêu vào năm 1967, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn gửi thư cho Dao Ánh vì dường như thứ tình cảm này còn lớn hơn cả tình yêu đôi lứa. Trong những phong bì được gửi đi từ xứ Blao lạnh buốt, ngoài thư tay, đó còn là những bản nhạc tình ông tặng bà.

Như họa sĩ Đinh Cường đã viết: “Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao Ánh về thăm, suốt tuần sáng nào cô cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà”. Trịnh Công Sơn yêu Dao Ánh phải trải qua hai mươi năm mới “nhận” được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời này có mấy ai được yêu và được nhận tình yêu sau bao thăng trầm của đời người khi khoảng cách dài lâu đến thế đâu!

Năm 2004, chính tay Dao Ánh thực hiện một CD nhạc mang tên Lời của dòng sông để tưởng niệm nhạc sĩ, khi đó bà đã đích thân đọc lại trích thư mà cố nhạc sĩ đã gửi hồi 40 năm trước đó. Dao Ánh tự nhận mình là “dòng sông”, một hình ảnh xuất hiện đôi lần trong nhạc Trịnh. Khán giả không khỏi xúc động khi nghe chính “nàng thơ” của Trịnh Công Sơn đọc lại những lời mà ông viết cho bà.

“Anh Cường thân mến, như đã hứa với anh, xin gửi anh đem về chút quà nhỏ, đóng góp của Ánh cho căn nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế. Những dấu tích anh Sơn còn để lại đó cùng khắp, trong căn nhà đó, bên dòng sông đó và trên con đường có lá lao xao suốt mùa thuở đó. Căn nhà này đúng là nơi đáng được gìn giữ dài lâu là căn nhà xưa của Trịnh Công Sơn”, lời của Ngô Vũ Dao Ánh gửi Đinh Cường ngày 20/10/2013 về lá thư kỷ niệm viết tay (Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh tháng 9/1965), bà gửi tặng lại bức thư này cho Gác Trịnh.

Năm 2017, trong dịp kỷ niệm 16 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dao Ánh đã gửi thư cho chị Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của nhạc sĩ, kèm theo đó là những bức ảnh còn trẻ của bà.

Trong thư, bà viết: “Nén hương thắp lên và ngụm rượu nhấp môi, Ánh ngày xưa cũng như Ánh hôm nay, nhớ anh hôm nay cũng như nhớ anh bao ngày, tháng, năm đã qua, những ngày tháng, năm sắp tới”…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển Bách khoa của Pháp

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 1/4/2001) sinh tại cao nguyên Lạc Giao (xã Lạc Gia, hiện là phường Thống Nhất, Buôn Mê Thuột), tỉnh Đắk Lắk. Ông lớn lên tại Huế, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, khoa Triết học (1962-1964) tại Quy Nhơn. Sau đó ông trốn lính, vào Bảo Lộc (Lâm Đồng) và làm nghề dạy học. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam hiếm hoi có sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới. Được biết, khoảng 2 triệu băng đĩa nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được bán tại Nhật Bản. Đặc biệt, tên tuổi Trịnh Công Sơn đã trở thành một danh từ riêng trong từ điển bách khoa Pháp Encyclopédie de tous les pays du monde (Coll. Les Millions)

Không những vậy, nhạc Trịnh còn là chứng nhân lịch sử cho một thời kì bão táp, thăng trầm của dân tộc. Nhưng trên hết, đó vẫn là tiếng nói yêu hòa bình, yêu con người.

Sự nghiệp sáng tác ca nhạc của ông bắt đầu vào năm 1958 với tác phẩm đầu tiên là Ướt mi được xuất bản năm 1959 được thể hiện qua giọng ca Thanh Thúy. Trong những năm sau đó, sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn ngày càng thăng hoa, phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là ca sĩ Khánh Ly.

Đọc thêm