Trình diễn nghi lễ 'kéo co ngồi' tại đền Trấn Vũ

(PLO) - Giao lưu trình diễn giữa các đội kéo co Juldarigi đến từ Yeongsan, Hàn Quốc và kéo co ngồi đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội ngay tại đền Trấn Vũ ngày 23/11/2018.
Trình diễn nghi lễ 'kéo co ngồi' tại đền Trấn Vũ

Lần đầu tiên khi nghi lễ và trò chơi kéo co tại bốn nước Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia, Philippines được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) phối hợp cùng Hiệp hội bảo tồn nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống Hàn Quốc tổ chức giao lưu trình diễn giữa các đội kéo co Juldarigi đến từ Yeongsan, Hàn Quốc và kéo co ngồi đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội ngay tại đền Trấn Vũ.

Tại buổi giao lưu, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa hai nước đã trao đổi về những quy trình đề cử hồ sơ đa quốc gia nghi lễ và trò chơi kéo co; bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nghi lễ và trò chơi kéo co; giới thiệu về nghi lễ và trò chơi kéo co ở Hàn Quốc; giới thiệu về kéo co ngồi đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội; giới thiệu về kéo mỏ đền Vua Bà, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Bên cạnh đó,các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa thảo luận về các biện pháp và hợp tác bảo vệ kéo co trong tương lai. 

Đặc biệt, tại buổi giao lưu, các đội kéo co đã trình diễn kéo co của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Với nghi lễ kéo co ngồi đền Trấn Vũ, ba đội tham gia nghi lễ và trò chơi kéo co gồm: Mạn Chợ, Mạn Đường và Mạn Đìa, mỗi đội có 15 trai đinh của làng và một tổng cờ.

Cũng trong buổi giao lưu, Hiệp hội bảo tồn nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống Hàn Quốc đã mang sang dây bện lớn bằng rơm để thực hành trò chơi. Sợi dây chính được nối với hàng chục dây kéo phụ dùng để kéo. Các đội kéo co đền Trấn Vũ đồng thời tham gia thực hành trò chơi kéo co của Hàn Quốc. Sau hai lần kéo phân thắng bại là nghi thức ăn mừng chiến thắng với các nhạc cụ truyền thống và các vũ điệu của Hàn Quốc. Kết thúc chương trình giao lưu, dây bện rơm kéo co của đội bạn sẽ được đưa về Bảo tàng Hà Nội trưng bày.

Tại buổi giao lưu, ông Ngô Quang Khải, Trưởng Ban Quản lý Di tích đền Trấn Vũ chia sẻ: Mặc dù nền văn hóa, phong tục tập quán của hai nước có khác nhau, song kéo co lại mang tính tương đồng giống nhau ở một số quan điểm suy nghĩ và tương truyền. Nhân buổi giao lưu, ông cũng như cộng đồng dân cư phường Thạch Bàn mong muốn cùng với Hiệp hội trò chơi kéo co truyền thống Hàn Quốc giao lưu thường xuyên ở Việt Nam cũng như trên đất nước Hàn Quốc.

Phường Thạch Bàn nói riêng, quận Long Biên đang cố gắng giữ gìn, phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi, chú trọng trao truyền cho thế hệ trẻ. Khóa học 2018-2019, khoảng 4.570 học sinh của 15 trường trên địa bàn quận Long Biên đến ngoại khóa về di tích đền Trấn Vũ cùng nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi.

Đọc thêm