Cục Điều tiết điện lực hoặc Sở Công Thương giải quyết tranh chấp trong trường hợp nào?
Theo Thông tư 42/2022/TT-BCT (TT42), Sở Công Thương có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp đến 110kV nếu các bên chưa tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc trọng tài thương mại và có thoả thuận đề nghị Sở Công Thương giải quyết tranh chấp. Đối với tranh chấp hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp trên 110kV sẽ do Cục Điều tiết điện lực giải quyết.
Thông tư nêu rõ, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương chỉ giải quyết tranh chấp trong trường hợp hai bên không tự thương lượng được và có thỏa thuận đề nghị Cục Điều tiết điện lực hoặc Sở Công Thương giải quyết.
Về trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện, TT42 quy định, trước khi đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp, các bên phải tiến hành tự thương lượng. Trường hợp tự thương lượng không thành, một bên hoặc hai bên có quyền gửi văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền.
Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo tới các bên liên quan về việc tiếp nhận xử lý tranh chấp. Trường hợp từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu; kiểm tra thực tế (trong trường hợp cần thiết) và xác minh hoàn thiện hồ sơ.
Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp sẽ bao gồm: văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp; biên bản làm việc hoặc tài liệu khác chứng minh các bên không tự giải quyết tranh chấp được và thỏa thuận đề nghị Sở Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực giải quyết; bản sao Hợp đồng mua bán điện; bản sao Giấy phép hoạt động điện lực (nếu có); các tài liệu chứng minh cho yêu cầu giải quyết tranh chấp là có căn cứ và hợp pháp; các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc.
Chậm nhất sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức họp hoà giải và sau 5 ngày tổ chức họp hòa giải phải có văn bản thông báo về kết quả giải quyết tranh chấp.
Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, việc tổ chức họp hòa giải và ban hành văn bản thông báo về kết quả giải quyết tranh chấp không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết quả giải quyết tranh chấp của Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương thì có quyền đưa ra Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Toà án để giải quyết.
Trách nhiệm các bên liên quan trong giải quyết tranh chấp
Điều 26 TT42 quy định, trách nhiệm của các bên có tranh chấp hợp đồng mua bán điện phải đảm bảo tính trung thực của tài liệu, thông tin sự việc được cung cấp cho cơ quan giải quyết tranh chấp; phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan giải quyết tranh chấp thu thập đầy đủ thông tin và kiểm tra thực tế (trong trường hợp cần thiết); thực hiện các biện pháp trong khả năng cho phép hoặc theo yêu cầu của cơ quan giải quyết tranh chấp nhằm hạn chế thiệt hại.
Đối với cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện, phải kết luận khách quan trên cơ sở hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp và chứng cứ của các bên cung cấp; tôn trọng thỏa thuận không trái pháp luật và quyền tự thương lượng giữa các bên có tranh chấp hợp đồng mua bán điện trong suốt quá trình giải quyết. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật không thuộc thẩm quyền giải quyết, phải thông báo và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, mức phạt vi phạm căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng, phù hợp quy định của pháp luật. Trường hợp các bên không có thoả thuận phạt vi phạm, bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thoả thuận phạt vi phạm, bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.
Đối với việc bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo thoả thuận trong hợp đồng, nếu không thỏa thuận trong hợp đồng thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Cách xác định giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, giá trị bồi thường thiệt hại đối với từng hành vi vi phạm được quy định tại Điều 28, Điều 29 Thông tư này, nếu phát sinh thiệt hại khác thì hai bên tự thoả thuận.
Thời hạn trả tiền bồi thường thiệt hại do hai bên tự thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu quá thời hạn trên, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu không thỏa thuận trong hợp đồng thì theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại theo các quy định nêu trên, Thông tư 42/2022/TT-BCT cũng quy định bên vi phạm phải bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Về phía bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh được tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Thông tư 42/2022/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 16/2/2023.