Điển hình mới đây nhất, bệnh nhân Đ.T.L (98 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau, khó chịu ở vùng ngực, đôi khi lan dần xuống vai trái và cánh tay. Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 6, kèm nguy cơ phù phổi cấp. Sau hơn 2 giờ can thiệp tái thông dòng máu ở động mạch vành, đặt stent... bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Hay một bệnh nhân khác cũng 98 tuổi (ở Hải Dương) được chuyển cấp cứu từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, tím tái, mạch và huyết áp giảm, điện tim biến đổi thất thường, men tim tăng cao. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện E xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng có nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức, các bác sĩ đã can thiệp tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc, đặt stent cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Lý giải về tình trạng gia tăng bệnh nhân tim mạch trong mùa lạnh, bác sĩ Lý Đức Ngọc cho biết, theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.
Đặc biệt, đối với người già trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, lưu lượng máu qua não rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết, nguy cơ bị đột quỵ nói riêng và các bệnh về tim mạch nói chung cao hơn. Bên cạnh đó, những bệnh nhân có tiển sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ tăng cao. Trong đó, rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ.
Để phòng tránh các bệnh về tim mạch hiệu quả, bác sĩ khuyến cáo, trong thời tiết chuyển mùa, lạnh đột ngột như hiện nay, người già nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm, ăn đủ bữa trong ngày, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia,… Đặc biệt, khi thấy người nhà có các biểu hiện đột quỵ như (cười méo miệng, tay chân mệt mỏi, khó cử động...) mọi người cần người bệnh tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trong cấp cứu đột quỵ thời gian là vàng, là vô cùng quan trọng, nếu phát hiện và tiến hành chữa trị sớm trong khoảng 6 giờ ngay sau khi xảy ra đột quỵ, thì việc hạn chế tình trạng tử vong là rất cao, đồng thời tránh được nguy cơ bị tàn phế sau đột quỵ cho bệnh nhân cũng rất lớn.