Mệt mỏi vì trời nồm
Những ngày này, Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên phải tiếp nhận các trường hợp trẻ bị sốt virus, viêm tiểu phế quản, viêm phổi do trời nồm, thời tiết thay đổi thất thường. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tình hình cũng diễn ra tương tự. Chị Ngô Thị Mai (27 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày nay tôi phải xin nghỉ việc vì cháu bị ốm. Ban đầu, cháu có biểu hiện ho nhẹ, sốt nhẹ. Qua ngày hôm sau, cơn sốt của cháu tăng dần lên 39 độ C, uống thuốc không đỡ, hết tác dụng của thuốc thì cháu lại sốt lại. Cả đêm, cháu ho không ngừng. Đưa cháu đi khám bác sĩ thì được biết cháu bị viêm tiểu phế quản, may chưa nặng đến mức viêm phổi. Thời tiết kiểu này thật khó chịu. Không chỉ các cháu nhỏ dễ bị ốm, các cụ già như mẹ tôi mấy ngày nay cũng đau đầu, đau nhức khắp mình mẩy”.
Cũng trong tình cảnh tương tự, đứa con trai mới 2 tuổi của anh Nguyễn Văn Ngọc (32 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) cũng phải nhập viện để điều trị vì bị sốt vi rút. Theo lời kể của anh Ngọc, vào ngày cuối tuần, gia đình có tổ chức cho cháu đi chơi công viên nhân dịp sinh nhật. Đến tối về, cháu bé bị sốt cả đêm, hai vợ chồng phải thay phiên nhau lau nước ấm cho cháu mới đỡ.
Anh Ngọc kể: “Cháu sốt cao quá, uống thuốc rồi vẫn không thấy hạ nhiều, hai vợ chồng tôi phải lấy nước ấm lau người cho cháu. Nhưng cũng chỉ được một lúc, lát sau cháu lại sốt cao trở lại. Tính ra, cứ 6 tiếng cháu phải uống thuốc hạ sốt một lần kèm theo lau mát mới hạ sốt được. Ngày thứ nhất, thấy cháu vẫn ăn, chơi bình thường nên gia đình để theo dõi thêm. Qua ngày thứ hai, chiều đến cháu có biểu hiện mệt, mắt lúc nào cũng có gèn dử, hay đòi đi ngủ. Thấy cháu như vậy, chúng tôi mới đưa đến bệnh viện thì bác sĩ bảo cháu bị sốt vi rút. Bác sĩ phải cho thuốc và truyền nước, qua đến hôm nay thì tình trạng của cháu đã đỡ hơn nhiều rồi”.
Kiểu thời tiết sáng mưa phùn, trưa hửng nắng, chiều và đêm trở lạnh không chỉ khiến các cháu nhỏ, các cụ già, những người có sức đề kháng yếu dễ bị nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp mà còn dễ bị mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, các bệnh về da như viêm da, nấm, dị ứng… Bên cạnh đó, trời nồm khiến nền nhà bị “đổ mồ hôi”, đi hay trơn trượt khiến các cháu nhỏ dễ bị ngã dẫn đến những chấn thương nguy hiểm.
Chị Nguyễn Thị Hằng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy rùng mình. Năm nào cũng vậy, cứ hễ trời nồm là nhà tôi nhớp nháp, ướt át, hôi hám khó chịu. Cách đây mấy hôm, con gái 4 tuổi của tôi đang chơi bóng ngoài sân. Chẳng may, cháu đá quả bóng lăn vào trong nhà nên vội chạy theo để nhặt. Vừa mới bước một chân vào trong nhà thì gặp phải nền nhà bị đổ mồ hôi, cháu bị trơn rồi ngã ngửa ra đằng sau, đầu đập xuống đất. Cũng may chỗ cháu ngã có tấm thảm chùi chân nên đầu cháu không bị va đập mạnh, nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Đừng chủ quan khi trời nồm
Trời nồm là kiểu thời tiết điển hình của miền Bắc khi độ ẩm không khí lên tới hơn 90%. Trời nồm khiến các bề mặt lạnh nên ngưng tụ thành giọt nước, bám trên nền nhà, tường, đồ vật… gây bất tiện cho sinh hoạt. Sàn nhà ẩm ướt, quần áo phơi mãi không khô, các vật dụng dễ bị nấm mốc, hỏng hóc và gây mùi khó chịu. Quan trọng hơn, trời nồm còn tạo điều kiện cho các loài vi rút, vi khuẩn, nấm mốc… sinh sôi, phát triển khiến con người dễ bị mắc nhiều bệnh lý khác nhau.
Theo các chuyên gia y tế của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết nồm ẩm khiến các bệnh về đường hô hấp, các bệnh về da, các bệnh về đường tiêu hóa dễ bùng phát. Phổ biến nhất là các bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, sốt vi rút, tiêu chảy, thủy đậu, sởi, viêm da, viêm mũi dị ứng…
Theo đó, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo khi đưa trẻ đi ra ngoài trời, đưa trẻ đi tiêm chủng phải cho trẻ mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm, tránh để trẻ nhiễm lạnh dẫn đến bị ốm, mắc các bệnh như cảm, cúm, viêm phế quản, viêm phổi... Nên có người lớn bế, tránh gió và ủ ấm cho trẻ, nhưng lưu ý không nên bọc trẻ quá kín hoặc dùng áo mưa bọc trẻ làm cho trẻ toát mồ hôi, sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh.
Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu;…hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người. Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Khi trẻ có các dấu hiệu ho, sốt… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Cùng với đó, việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh khi trời nồm. Như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, những trường hợp khám vì viêm mũi dị ứng, viêm tiểu phế quản liên tiếp, nhiều trường hợp được xác định do môi trường sống bị ẩm, mốc. Vi khuẩn, nấm mốc có thể có trong chính đồ dùng như chăn, nệm, thảm sàn, rèm cửa, quần áo của trẻ nhỏ do không khí ẩm, đồ giặt không khô. Đặc biệt nhiều gia đình gầm giường thấp, gặp phải trời ẩm, sàn nhà đổ mồ hôi khi lật đệm lên thì cả ổ mốc xanh dưới đệm.
Đây là những yếu tố khiến trẻ tăng kích thích, dễ nhiễm bệnh. Vì thế thời tiết ẩm, các gia đình cần tích cực dọn dẹp nhà cửa. Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Để thoáng gầm giường, tủ tránh mọc nấm mốc không biết. Nên đóng kín các của phòng, dùng các khăn thấm hút nước tốt lau khô sàn nhà. Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.