Trộm tiền "báo hiếu" mẹ cha

Làm việc cho một ngân hàng lớn nhưng trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trần Quốc Tài đã nhắm mắt làm liều để thể hiện “đạo hiếu” với cha mẹ. Chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng của ngân hàng mình làm việc, bị cáo tìm cách quyên sinh nhưng không chết! Sáng  16/7, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ

Làm việc cho một ngân hàng lớn nhưng trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trần Quốc Tài đã nhắm mắt làm liều để thể hiện “đạo hiếu” với cha mẹ. Chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng của ngân hàng mình làm việc, bị cáo tìm cách quyên sinh nhưng không chết!

Sáng  16/7, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Trần Quốc Tài (SN 1982) về tội “tham ô tài sản”. Theo cáo trạng mà VKSND truy tố, Trần Quốc Tài là nhân viên giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng liên doanh VID Public Bank tại TP HCM (do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam liên doanh với Ngân hàng Public Bank - Malaysia). Công việc chính của Tài là thực hiện việc thu, chi tiền cho khách đến giao dịch rồi cuối ngày cân đối, nộp lại tiền cho trưởng quỹ.

Bị cáo Tài nghe Tòa tuyên án

Khoảng đầu năm 2009, hoàn cảnh gia đình Tài gặp nhiều khó khăn: cha mẹ cần tiền trả nợ và hợp thức hoá nhà ở, các em lại không có tiền đóng học.. gia đình cần đến một khoản tiền lớn để chi trả. Với thu nhập từ tiền lương 8 triệu đồng/ tháng của Tài không đủ nên nhân viên này nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của Ngân hàng.

Thực hiện ý đồ của mình, từ ngày 2 đến 6/3/2009, Tài đã thu tiền của 9 khách hàng gửi vào ngân hàng tổng cộng hơn 81 triệu đồng. Khi nhận tiền từ khách, Tài đã khôn khéo đã lập thủ tục thông thường giao cho kiểm soát viên kiểm tra, sau đó giao lại một liên cho khách hàng rồi xoá giao dịch trên hệ thống. Có được số tiền, Tài đã không giao lại cho Ngân hàng như mọi khi mà đem về đưa cho em lo tiền học hành.

Nhằm tránh bị phát hiện và kiểm tra, Tài đã căn cứ vào giấy gửi tiền của khách, lập hồ sơ giả để các kiểm soát viên kiểm tra, xác nhận. Sau đó, Tài tiếp tục nhập giả vào tài khoản của khách hàng nhưng thực tế không có tiền nộp vào ngân hàng. Lòng tham chưa dừng lại, sáng 9/3/2009, Tài nhận hơn 7,2 tỷ đồng của khách hàng nhưng đã trích ra 1,5 tỷ đồng. Tài ra ngoài cho tiền vào cốp xe, đến nhà một người bạn thân và nhờ bạn trả tiền vay của một số người thời gian trước là 7,5 triệu đồng. Sau đó, Tài đưa túi ni lon đựng 1,5 tỷ đồng và 3 lá thư tuyệt mệnh nhờ cất hộ, dặn người bạn đến ngày 14/4/2009 hãy mở ra.

Gửi tiền xong, Tài mua 2 lọ thuốc si rô (loại thuốc ho trẻ em) và một hộp dao lam đến thuê phòng nghỉ tại khách sạn Doro Thy (725 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10). Tại đây, Tài đã uống cạn hai lọ thuốc trên, dùng dao lam cắt mạch ở tay rồi bất tỉnh. Tuy nhiên, Tài đã không chết. Chiều 10/3, Tài tỉnh dậy và gọi người thân đưa mình đi cấp cứu. Buổi chiều cùng ngày, gia đình Tài và cán bộ Ngân hàng đã đến nhà người bạn để lấy lại số tiền mà Tài đã gửi nhằm chiếm đoạt.

Trong quá trình điều tra, nội dung của các lá thư tuyệt mệnh mà Tài gửi cùng số tiền trên đã được công bố. Lá thư Tài gửi cho cha mẹ có đoạn: “Cha mẹ đừng buồn, con sống không tốt và không muốn là gánh nặng cho gia đình. Số tiền này cha mẹ hãy giữ lại để an dưỡng tuổi già. Con đã phải đánh đổi sinh mạng mình để có nó, cha mẹ hãy giữ lấy lo cho các em, đừng bao giờ trả cho ngân hàng...”.

Với các tình tiết và bằng chứng của vụ án, HĐXX đã xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm của Tài song cũng căn cứ vào động cơ gây án của bị cáo mà có hình phạt thích đáng. Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt Trần Quốc Tài 16 năm tù.

Đức Minh (tổng hợp)

 

Đọc thêm