Công tác cán bộ hiện nay đang có vấn đề?

(PLO) - Phải chăng công tác cán bộ hiện nay đang có vấn đề khi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất đã phát hiện những cán bộ mắc sai lầm nghiêm trọng? Cần phải tiến hành những giải pháp nào để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền… hiệu quả? Phát huy vai trò của báo chí truyền thông như thế nào trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay? Xung quanh vấn đề này, các nhà báo, nhà nghiên cứu đã có những chia sẻ đầy tâm huyết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hình ảnh người cán bộ bây giờ xấu xí lắm!

Thưa ông, tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ và mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức là hai yếu tố đang làm cho nguy cơ đe dọa sự tồn vong chế độ ngày càng nghiêm trọng thêm. Ông nhân định thế nào về vấn đề này?

- TS. Lương Ngọc Vĩnh, Trưởng Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tôi đồng ý với ý kiến đó và cũng đang rất trăn trở về vấn đề này. Thứ nhất  vấn đề cán bộ và công tác cán bộ đã được chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta coi trọng  từ  rất sớm. Cán bộ và công tác cán bộ được coi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong thành công hay thất bại của cách mạng. Chúng ta đã có đầy đủ quy chế, quy trình, quy định về công tác cán bộ, nhưng vấn đề là thực hiện không nghiêm. Đến giờ, mọi sai lầm, khuyết điểm trong công tác cán bộ mới bộc lộ ra từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Tôi nói thật, trong con mắt dân, hình ảnh người cán bộ bây giờ xấu xí lắm. Không con ông cháu cha, thì cũng chạy chọt, không tham nhũng thì sao mà giàu thế…Theo tôi quan trọng nhất hiện nay là chọn được người có tài và có tâm để làm tham mưu về công tác cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm đi đôi với kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.

Thứ hai là công khai minh bạch mọi vấn đề về công tác cán bộ, trừ bí mật quốc gia.Thứ ba là tăng cường giám sát của cấp trên, của nhân dân đối với công tác cán bộ, bản thân người đi giám sát cũng phải được giám sát.Vấn đề dân chủ thì quá rõ rồi.  

Mất dân chủ hay dân chủ hình thức, giả hiệu suy đến cùng đều là không thực hiện dân chủ… Đảng tồn tại dựa trên niềm tin của dân, niềm tin không còn thì Đảng cũng chẳng có lý do gì để tồn tại. Quyền lực nhà nước là do dân ủy quyền, nếu dân không tin, đòi lại  quyền thì chế độ sụp đổ cũng là đương nhiên. Tôi muốn nói thêm một thực tế này, là thực thi dân chủ trong xã hội có khác với dân chủ trong hệ thống chính trị. Khi tổ chức đảng, chính quyền bị nhóm lợi ích thâu tóm, khi người tích cực trở nên đơn thương, độc mã bởi người tiêu cực chiếm số đông thì người ta rất dễ lợi dụng dân chủ để hạ bệ, lật đổ người tốt và được ngụy trang khéo léo bởi ý kiến đa số.  Đây là nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả một tổ chức, rất nguy hiểm. 

Ông có suy nghĩ gì về công tác cán bộ hiện nay? Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất đã phát hiện những cán bộ mắc sai lầm nghiêm trọng, phải chăng công tác cán bộ có vấn đề?

- TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người Vùng dân tộc và miền núi: Tôi hoàn toàn đồng tình với đánh giá của rất nhiều nhà nghiên cứu là hơn 90 triệu dân nước Việt không thiếu người tài, thời nào cũng vậy. Chỉ có điều công tác cán bộ làm sao phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài một cách hiệu quả, để họ cống hiến nhiều nhất cho xã hội. Tuyển chọn người thực tài cả về năng lực và đạo đức “vừa hồng, vừa chuyên” thì mới có lợi cho nước, cho dân.

Thế nhưng, chúng ta lại chưa có cơ chế để tuyển dụng đúng người tài để sử dụng vào những vị trí trọng yếu? Lịch sử của dân tộc ta đã chứng minh rằng, tại bất cứ thời điểm lịch sử nào, dân tộc ta cũng tìm được người giỏi để trao cho họ sứ mệnh lịch sử dân tộc. Chúng ta đang vấp phải khó khăn trong công tác cán bộ khi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực đang là một vấn nạn. Hiện tượng tham nhũng trong công tác cán bộ chính là nạn chạy chức, chạy quyền. Vì sao chạy chức, chạy quyền lại xảy ra tràn lan? Tôi lấy ví dụ, ngay một anh cấp  phòng ở cấp Huyện đã phải chạy rồi, để chạy được chức đó cũng phải bỏ ra một khoản tiền, khi đạt được rồi thì họ lại tìm mọi cách để bù đắp lại. Chức nhỏ đã vậy, đã chạy thì anh cấp trên chắc còn làm lớn hơn nữa, nên cuối cùng cả một xã hội thành một hệ thống “chạy”. Vấn đề này tôi rất đồng tình với loạt bài “Chống được “chạy” sẽ thành công” của nhà báo Nguyễn Hòa Văn. Nếu như chúng ta không chịu đổi mới thì chắc chắn chuyện chạy chọt chức quyền trong cán bộ không thể khắc phục được.

Làn sóng ngầm của nạn chạy chức, chạy quyền

TS. Hoàng Xuân Lương, vừa nhắc đến loạt bài “Chống được “chạy” sẽ thành công”. Là tác giả của loạt bài báo vừa nêu, ông có thể nói rõ nguyên nhân của vấn nạn “chạy”; theo ông, hiện nay cần phải tiến hành những giải pháp nào để chống “chạy” có hiệu quả?

- Đại tá- Nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin Điện tử - Hội Nhà báo Việt Nam: Để vấn nạn “chạy” diễn ra ngày càng nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Ở đây xin được đề cập đến hai nguyên nhân chủ quan, đó là công tác quản trị quốc gia có nhiều sơ hở yếu kém- trong đó có cơ chế xin cho tồn tại quá lâu- và công tác cán bộ có nhiều tiêu cực.

Quản trị quốc gia ở đây muốn nói đến là khi chúng ta chuyển đổi từ một chế độ tập quyền sang chế độ pháp quyền thì cốt lõi của quản trị quốc gia là xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, nhất quán và có tính ổn định. Hệ thống pháp luật này phải thế chế hóa được đường lối của Đảng, vì mục đích chung, bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, không bảo vệ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; xóa bỏ cơ chế xin cho và thực trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” và “quyền rơm vạ đá”. Thể hiện rõ ràng minh bạch thẩm quyền và trách nhiệm của tổ chức cá nhân theo tinh thần xây dựng chính phủ liêm chính kiến tạo và phục vụ.…Đồng thời các quy phạm pháp luật nói trên phải được thực thi trên thực tế.

Ba mươi năm đổi mới, mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng chúng ta chưa tạo được bước tiến bền vững của quá trình đi lên. Bức tranh tổng thể về kinh tế xã hội của nước ta còn nhiều ảm đạm. Nợ công quá lớn, tham nhũng tràn lan, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, bệnh viện không đủ giường, trường học không đủ phòng….. Tất cả những gam màu trong bức tranh toàn cảnh còn nhiều mảng tối như trên, chỉ ra cho chúng ta thấy công tác quản trị quốc gia còn nhiều sơ hở yếu kém, cần phải nhanh chóng sửa “lỗi hệ thống”, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành quản trị đất nước….Khi pháp luật không được qui định chặt chẽ, còn nhiều sơ hở, mâu thuẫn, bất cập và nhiều quy phạm pháp luật không được thực thi trên thực tế thì đây chính là nguồn gốc, nguyên nhân của vấn nạn “chạy” ngày càng trầm trọng.

Đối với công tác cán bộ trước đây, dường như các quan điểm, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thủ tục,…về công tác cán bộ, được Đảng ta định ra như thế nào thì được thực hiện trên thực tế như thế. Trong vài thập kỷ gần đây, do tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ, nên những quan điểm, nguyên tắc, chế độ, quy trình công tác cán bộ rất nhiều nơi, nhiều cấp sai với mục đích. Trước đây, số đông nhân sự cán bộ được sắp xếp là “vì việc mà bố trí người” nhưng hiện nay thì ngược lại, số đông nhân sự được sắp xếp “vì người mà bố trí việc”. ..Tỷ lệ cán bộ đảng viên suy thoái, tham nhũng trong bộ máy nhà nước ngày càng tăng lên thì việc “chạy” theo danh lợi, quyền lực, tiền bạc trở nên sôi động, tạo thành những làn sóng ngầm, những thế lực ngầm chi phối nhiều hoạt động của tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước…

Để có những giải pháp chống “chạy” hiệu quả, theo tôi phải sửa lỗi hệ thống, sửa đổi công tác cán bộ, phát huy dân chủ và truyền thông- đây là ba giải pháp đồng bộ diệt trừ tham nhũng, quét “giặc nội xâm”.

Thưa ông, Bàn về Dân chủ và Báo chí Truyền thông, thực tiễn hiện nay đặt ra rất nhiều vấn đề mới. Ông có thể cho biết vai trò của báo chí truyền thông hiện nay trong phòng chống tham nhũng, suy thoái “tự diễn biến, tự chuyển hóa” như thế nào?.

- TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Ủy viên Thường vụ Hội nhà báo Việt Nam: Báo chí – truyền thông có vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, không chỉ là vấn đề nhận thức, vấn đề lý luận, mà thực tiễn đã và đang ngày càng chứng minh điều đó.

 Tuy nhiên, trên thực tế không phải ở đâu và lúc nào, vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ như nó cần được nhận thức. Và không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vẻ vang đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó và luật pháp quy định…Mặt khác, ngay chính bản thân các nhà báo không phải lúc nào cũng có đủ nhận thức, tri thức và kĩ năng tác nghiệp, để vừa tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn nghề nghiệp cho bản thân và cho cơ quan báo chí…

Về vai trò của báo chí truyền thông trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, có thể nhận diện trên các nội dung như: báo chí tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; phát hiện, phản ánh các biểu hiện (vụ việc) tham nhũng, lãng phí; phản biện, đấu tranh trước các biểu hiện tiêu cực trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, báo chí cũng nêu gương, tôn vinh các tấm gương, các mô hình tiêu biểu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đọc thêm