Đề xuất 'đổi vai' cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật

(PLVN) - Hôm qua (13/9) Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2015.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo của Chính phủ.

Nhiều ưu điểm

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 48 điều về nội dung và 7 điều về kỹ thuật.

Cụ thể, về cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL, Dự thảo Luật sửa 5 điều của Luật năm 2015, trong đó bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đúng đắn, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước” trong xây dựng, ban hành VBQPPL.

Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra (trực tiếp giúp UBTVQH) như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án. Cơ quan, tổ chức, đại biểu trình dự án có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. UBTVQH vẫn trực tiếp chỉ đạo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc Dự thảo Luật giao nhiệm vụ này sẽ giúp khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết thời gian qua.

Việc đổi mới này có một số ưu điểm như: Bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết từ khi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo, từ đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình chỉnh lý dự thảo.

Cùng với đó, sẽ bảo đảm sự phù hợp giữa nội dung của dự thảo với các chính sách đã được thông qua, tạo sự liền mạch hơn trong việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua.

Tăng tính chủ động và trách nhiệm đến cùng của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Đề cao sự phản biện nhằm góp phần bảo đảm tính khách quan, độc lập của hoạt động thẩm tra.

Cần nghiên cứu đầy đủ thuận lợi, khó khăn

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hầu hết ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật với những lý do như được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ.

“Việc điều chỉnh như vậy mới bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng, đầy đủ chức năng của mình tương tự như quy trình lập pháp của nhiều nước trên thế giới và như nước ta đã thực hiện trước đây theo Luật Ban hành VBQPPL năm 1996 cho đến khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này năm 2002”, ông Định nói.

Phân tích cụ thể hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, việc soạn thảo dự án luật sẽ bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến giai đoạn giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện.

Việc thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ được thực hiện xuyên suốt, đầy đủ, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật. Hơn nữa, với quy trình hiện nay thì ở giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện, chính cơ quan thẩm tra phải làm nhiệm vụ soạn thảo (chỉnh lý văn bản), trong khi đó đối với những vấn đề tiếp thu, chỉnh sửa rất nhiều, kể cả có thay đổi nội dung chính sách thì lại không được thẩm tra.

“Vì vậy, thực hiện việc “đổi vai” này không những bảo đảm để các cơ quan thực hiện đúng chức năng của mình mà còn phát huy cao độ tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, kể cả cơ quan trình dự án và cơ quan thẩm tra, bảo đảm nguyên tắc soạn thảo đến cùng (bao gồm cả tiếp thu, giải trình, bảo vệ, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản) và thẩm tra đến cùng (bao gồm cả đánh giá, phản biện, chỉnh lý, hoàn thiện)”, ông Định nói.

Cũng theo ông Định, có một số ít ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến ở một số Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay để bảo đảm thuận lợi cho việc UBTVQH chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án, đồng thời cũng tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện.

Đánh giá đây là luật quan trọng, nên cần phải cân nhắc nhất là luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đến nay được hơn 3 năm đã sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải xem xét thận trọng, phải “chín” mới sửa chứ không đơn thuần từ “cực nọ” sang “cực kia”. 

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đề nghị quy trình như vậy. “Cách đây mấy năm, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL, Chính phủ cũng đã nêu đề xuất này nhưng không nhận được sự đồng tình của UBTVQH và Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại và nhấn mạnh, quy trình xây dựng luật phản ánh nguyên tắc tổ chức Nhà nước, trong đó có vai trò lập pháp của Quốc hội đã được Hiến pháp quy định. Chủ tịch Quốc hội không đồng ý với việc “đổi vai” này mà đề nghị tăng cường phối hợp giữa hai bên. 

Đọc thêm