Đề xuất hỗ trợ dân nghèo vùng lũ 10 triệu đồng/hộ

(PLO) - 700 chòi phòng tránh lũ đã được xây dựng trong giai đoạn thí điểm xây dựng chòi tránh lũ cho hộ nghèo khu vực miền Trung, bước đầu đã đạt được hiệu quả qua mùa mưa bão vừa rồi. Tuy nhiên, còn những vấn đề cần được khắc phục trước khi chương trình này được đưa ra áp dụng trên toàn khu vực.
Nhiều hộ gia đình không thực hiện cứng nhắc theo mẫu thiết kế đưa ra, nhằm tận dụng được hết không gian, diện tích phù hợp với điều kiện sinh hoạt thường ngày
Nhiều hộ gia đình không thực hiện cứng nhắc theo mẫu thiết kế đưa ra, nhằm tận dụng được hết không gian, diện tích phù hợp với điều kiện sinh hoạt thường ngày
Ước mơ có nhà cao hơn đỉnh lũ
Nhiều năm rồi, anh Võ Văn Sâm (xóm 1, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An) luôn mong muốn dựng một công trình cao hơn mức lũ sông Lam vào tháng mưa Ngâu mà chưa thực hiện được vì nghèo. Trong chương trình thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung theo Quyết định 716/QĐ – TTg, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và số tiền tích lũy ít ỏi, hai vợ chồng anh vay thêm họ hàng nội ngoại, tổng cộng 85 triệu để hoàn thiện công trình chòi chống lũ lụt 2 tầng, rộng 48m2, gắn kết hài hòa với khối nhà cũ. 
Chỉ tay lên các thanh kèo gỗ áp mái trong gian nhà cũ, anh kể: “Ngày trước, trên đấy gia đình lắp một cái chạn. Mỗi khi lũ về, cả người và tài sản đều dồn lên chạn, chật chội, nhếch nhác. Nay có chòi tránh lũ kiên cố, ngày thường là chỗ con cái học hành, ngày lũ là nơi chạy tài sản và người. Gia đình đã có giải pháp sống chung với lũ an toàn hơn”. 
Nhà anh Sâm là một trong 700 hộ gia đình thụ hưởng chương trình thí điểm xây chòi tránh lũ ở Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, thực hiện tại 7 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai đại trà. Mỗi hộ thuộc diện đối tượng được ngân sách trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng, được vay vốn ưu đãi với mức 10 triệu đồng, ngoài ra huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng, đóng góp của các hộ gia đình với mức tối thiểu 10 triệu đồng.
Để tránh lũ, không coi chỉ là chòi
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ Đề án “Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung”. Theo đó, sẽ hỗ trợ cho các hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà. Các hộ gia đình được hỗ trợ phải đang cư trú tại vùng thường xuyên bị thiên tai lũ, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng thuộc 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Theo đề án này, ngân sách nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ (đối với hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ), được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi với mức tối đa là 15 triệu đồng/hộ, đóng góp của hộ gia đình và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để thực hiện với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ. Thống kê cho thấy, số hộ nghèo và hộ cận nghèo hiện đang sinh sống tại khu vực bị ngập từ 1,5m trở lên trên địa bàn các tỉnh miền Trung là khoảng 77.000 hộ, trong đó 40.533 hộ nghèo và 36.449 hộ cận nghèo.
Thực tế mùa bão vừa rồi ở miền Trung cho thấy, có những chòi tránh lũ bị nước lũ ngập đến ngang cửa sổ. Theo quy định tại Quyết định 716, những hộ có nhà ở bị ngập sâu trên 3,6m thì phải di dời, nhưng trên thực tế, việc di chuyển chỗ ở của người dân là rất khó khăn, vì phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến việc đảm bảo cuộc sống cho người dân như đất ở, đất sản xuất, ngành nghề cho người dân tại nơi ở mới..., trừ những trường hợp bất khả kháng như những nơi bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Vì thế, việc hỗ trợ cho các hộ dân ở khu vực ngập sâu cũng phải được tính toán phù hợp.
Ở các xã có hộ dân thí điểm xây chòi tránh lũ, chính quyền xác định rõ đây là nhà ở của người dân chứ không phải chỉ là chòi. Vì thế, địa phương đã phát huy sự sáng tạo của mỗi hộ gia đình thay vì cứng nhắc theo mẫu thiết kế đưa ra, nhằm tận dụng được hết không gian, diện tích phù hợp với điều kiện sinh hoạt thường ngày. Ngoài việc xây dựng để làm nơi phòng tránh lũ, lụt cho người, nhiều hộ gia đình còn thiết kế, xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt có cầu thang đảm bảo cho các loại gia súc có thể tự đi lên được để tránh lũ, lụt.

Đọc thêm