Hội Luật gia Việt Nam: Cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí

(PLO) -Ngày 19/1, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành cùng tham dự buổi làm việc.


Hội Luật gia Việt Nam: Cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí

Theo báo cáo của Hội Luật gia Việt Nam, những năm qua, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp hội luật gia tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, Hội đã chủ trì xây dựng thành công hai đạo luật quan trọng, được Quốc hội khóa XII và Quốc hội khóa XIII thông qua, đó là Luật Trọng tài thương mại và Luật Trưng cầu ý dân.

Hội đã tham gia soạn thảo nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như: tham gia Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tham gia Ban soạn thảo, tổ biên tập 46 dự án luật, trong đó có các dự án luật quan trọng đó là: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Luật sư (sửa đổi)... Các cấp hội đã tổ chức góp ý cho hơn 24.000 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được các cấp Hội Luật gia Việt Nam quan tâm tăng cường, đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động của Hội.

Chỉ tính riêng hai năm 2016, 2017 các cấp hội đã tổ chức được gần 210.000 buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho hơn 11 triệu lượt người. Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở được các cấp hội quan tâm đẩy mạnh.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến vào hoạt động của Hội Luật gia. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, thời gian qua Hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng hoạt động của Hội nên gắn kết hơn nữa với các bộ, ngành bằng các Quy chế phối hợp cụ thể. Đơn cử trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý được thực hiện theo Luật Trợ giúp pháp lý mới, các trung tâm phải đăng ký với Sở Tư pháp địa phương “Nếu có Quy chế phối hợp ở cấp Trung ương thì ở địa phương việc ký kết và thực hiện Quy chế cũng thuận lợi hơn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác”. Thứ trưởng Dũng nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao bước phát triển quan trọng cả về tổ chức, bộ máy, số lượng hội viên và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, đồng thời đề nghị Hội Luật gia Việt Nam chú trọng đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, thực sự là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. Hội Luật gia Việt Nam cần tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tư vấn pháp luật...; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội; 

Chủ tịch nước cũng mong muốn Hội Luật gia tiếp tục phát huy vai trò trong việc thực hiện chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân. Hội cần chú trọng chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng các cấp Hội Luật gia trong sạch, vững mạnh; tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, đặc biệt trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác Hội; tiếp tục tạo điều kiện về nguồn lực để Hội hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.

Đọc thêm