Khắc phục sạt lở vùng bờ sông, bờ biển ĐBSCL: Thiếu giải pháp căn cơ

(PLVN) - Nhiều năm qua, vấn đề sạt lở cả bờ sông lẫn bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gây ra nhiều thiệt hại và bất ổn đối với đời sống dân cư, trong khi nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật áp dụng lại còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả.
Hiện ĐBSCL có hơn 562 vị trí bờ sông, biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 786km, trong số đó có 59 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm
Hiện ĐBSCL có hơn 562 vị trí bờ sông, biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 786km, trong số đó có 59 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm

562 vị trí sạt lở trên chiều dài 786km 

Theo đánh giá của Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNN), trong những năm gần đây, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với tác động của việc phát triển kinh tế, xã hội kém bền vững tại các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông và nội vùng ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đã và đang diễn biến rất phức tạp.

Từ năm 2007 trở về trước  (khi các hồ trên dòng chính sông Mê Kông chưa vận hành), tình hình sạt lở vùng ĐBSCL cũng xảy ra khá phổ biến, tại một số khu vực đã ghi nhận những thiệt hại do sạt lở gây ra, nhất là những khu vực tập trung dân cư, như: Thị xã Tân Châu, TP Long Xuyên (An Giang); Thị xã Hồng Ngự; TP Sa Đéc (Đồng Tháp); TP Vĩnh Long (Vĩnh Long). Tuy nhiên, thời điểm đó xu thế chung là ổn định, vùng ven biển có xu thế bồi là chính.  

Nhưng từ năm 2007 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương, hiện ĐBSCL có đến hơn 562 vị trí bờ sông, biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 786km, trong số đó có 59 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 180km.

Đối mặt với thực trạng trên, những năm qua, vùng ĐBSCL đã được hỗ trợ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách TW, nguồn vốn ODA để xử lý sạt lở bờ sông, biển. Nhiều đề tài khoa học, dự án thử nghiệm đã được nghiên cứu, áp dụng nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp để xử lý sạt lở; trong đó, có những giải pháp đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống của người dân. 

Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp còn thiếu đồng bộ, nhất là các giải pháp về quản lý nên hiệu quả chưa cao. Một số công trình áp dụng giải pháp kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên hoặc chưa bám sát các quy định về tiêu chuẩn thiết kế, thi công nên đã bị hư hỏng, hoặc không đạt được mục tiêu đề ra. 

Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, những giải pháp kỹ thuật hiện nay đang áp dụng cho vấn đề sạt lở tại ĐBSCL có những tồn tại và hạn chế. Trước hết, các công trình phòng chống sạt lở bờ sông được thực hiện tại những khu vực đã bị sạt lở theo hướng hỏng đâu làm đấy, thiếu kế hoạch dài hạn, căn cơ cho toàn hệ thống sông, kênh, rạch trong vùng. 

Việc xác định tuyến chỉnh trị đối với kè lát mái (bảo vệ bờ trực tiếp) hầu hết đều lấn ra phía sông, không kết hợp giữa xây dựng tuyến kè với di dân tái định cư, dẫn đến khối lượng xử lý ổn định chân kè lớn, suất đầu tư cho 1km kè cao. Mặt khác, làm hạn chế khả năng thoát lũ cũng như gia tăng rủi ro do toàn bộ phần mái kè và đỉnh kè nằm trên phần đất đắp.Trong khi đó, đa số các kết cấu kè bảo vệ bờ dạng mái nghiêng kết hợp với tường đứng, nền tường đứng được gia cố bởi hệ thống cọc bê tông cốt thép, mỗi mặt cắt gồm hai cọc (một cọc đứng và một cọc xiên). Giải pháp này chỉ phù hợp với những khu vực đô thị, sạt lở sát cơ sở hạ tầng quan trọng không thể lùi tuyến kè vào phía trong.

Ông Vũ Xuân Thành chỉ ra một số tuyến kè bảo vệ bờ như các tuyến kè biển Hiệp Thạnh (Trà Vinh); kè biển Gành Hào(Bạc Liêu) là chưa phù hợp, quy mô công trình khá lớn, song diện tích bảo vệ còn hạn chế. Ví dụ tiếp theo là  kè giảm sóng Bà Mát (Cà Mau) chỉ có tác dụng trong khoảng hai năm đầu sau khi đưa vào sử dụng, không có tác dụng lâu dài do vật liệu giảm sóng chỉ bằng… tre.

Giảm khai thác cát, phủ xanh đất rừng…

Khi được hỏi về giải pháp khắc phục những vấn đề đã nêu trên, vị đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, trước hết cần cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc quản lý bền vững sông Mê Kông. 

Còn ở đồng bằng, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý đảm  bảo sự cân bằng tương đối; sử dụng hợp lý bùn cát nạo vét để san lấp, đắp đê, làm đường; nghiên cứu đề xuất các giải pháp thay thế cát san lấp và cát xây dựng, tiến tới không sử dụng cát để san lấp. 

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ven  sông để hạn chế chất tải lên bờ sông, kênh rạch, cản trở dòng chảy; quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch sử dụng đất ven sông theo hướng dành không gian thoát lũ; bố trí, sắp xếp từng bước di dời dân ra khỏi bờ sông, lòng sông, lòng kênh, rạch;…

“Về giải pháp công trình cần thực hiện chỉnh trị sông đảm bảo ổn định lòng dẫn, ổn định dòng chảy cả mùa lũ và mùa kiệt, tập trung vào sông Tiền, sông Hậu, chỉ xây dựng công trình phòng chống sạt lở tại những phân lưu, hợp lưu, khu tập trung dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng”, ông Thành nói.

Riêng đối với sạt lở bờ biển, ông Thành chú trọng giải pháp kiểm soát, tránh phá rừng và cần tăng cường trồng rừng thay thế. “Việc quản lý rừng ven biển gắn với trồng và khai thác nếu được làm tốt sẽ hạn chế tối đa việc sạt lở bờ biển trong tương lai”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai khẳng định.

Đọc thêm