'Khoanh vùng' xa, bỏ lọt 'tội phạm trước mặt'

(PLO) - Việc pháp luật khoanh vùng khá rộng nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập dường như chỉ là để “không bỏ sót” những đối tượng có nguy cơ tham nhũng. Còn việc các đối tượng này có hành vi mượn tên của người khác (những người không thuộc diện phải kê khai tài sản) nhằm hợp thức hóa tài sản tham nhũng thì các văn bản pháp luật lại chưa chỉ rõ cách thức xử lý. 
'Khoanh vùng' xa, bỏ lọt 'tội phạm trước mặt'

Đây chính là điểm bất cập trong các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Kê khai theo kiểu “không bỏ sót”

Minh bạch tài sản không chỉ phòng chống tham nhũng (PCTN) mà còn chống được rửa tiền, trốn thuế, chuyển dịch tài sản bất hợp pháp… Đây là khâu thiết yếu không thể bỏ qua với bất kỳ quốc gia nào trong cuộc chiến PCTN. “Tuy nhiên, pháp luật về PCTN của chúng ta hiện nay có quá nhiều bất cập khiến việc kê khai tài sản thu nhập vừa hình thức vừa thiếu cơ chế hậu kiểm, điều đó đã dẫn tới hệ lụy là công tác thu hồi tài sản tham nhũng gặp không ít khó khăn”- Luật sư Lê Thiên, Giám đốc Công ty Luật TNHH  Lê và Liên danh (Hà Nội) nhìn nhận.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, Luật sư Lê Thiên chỉ rõ, tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập đã liệt kê 9 nhóm đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai, đồng thời quy định rõ những loại tài sản thu nhập phải kê khai; nhấn mạnh đến việc xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. “Nhưng Nghị định lại không quy định việc xử lý đối với tài sản không khai hoặc có khai nhưng không giải trình được nguồn gốc tăng thêm hợp lý. Đây là điều bất cập trong các văn bản pháp luật về PCTN ở Việt Nam hiện nay”- Luật sư Thiên chỉ ra.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc pháp luật khoanh vùng khá rộng nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập dường như chỉ là để “không bỏ sót” những đối tượng có nguy cơ tham nhũng. Còn việc các đối tượng này có hành vi mượn tên của người khác (những người không thuộc diện phải kê khai tài sản) nhằm hợp thức hóa tài sản tham nhũng thì các văn bản pháp luật lại chưa chỉ rõ cách thức xử lý. Bởi trên thực tế, rất ít tài sản tham nhũng được đứng tên chủ sở hữu, trong khi đó, người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc tài sản từ đâu mà có.

Khi có hành vi tham nhũng xảy ra thì theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ chứng minh đó lại thuộc về cơ quan tố tụng, trong khi để chứng minh được nguồn gốc tài sản không phải là vấn đề đơn giản. Đó là chưa kể đến một số vụ án tham nhũng kéo dài do có quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ, tạo điều kiện cho đối tượng tẩu tán tài sản. 

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta có cơ chế kiểm tra chéo giữa bản kê khai với khối tài sản trên thực tế của đối tượng kê khai, hoặc hàng quý, hàng năm chọn ngẫu nhiên một số bản kê khai để kiểm tra, đánh giá mức độ trung thực thì tôi nghĩ là kết quả đấu tranh PCTN sẽ khác rất nhiều. 

Người dân chưa tin tưởng

Đánh giá về thực trạng thu hồi tài sản tham nhũng, mới đây qua khảo sát tại 63 tỉnh, thành trên cả nước với ba nhóm đối tượng (cán bộ công chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp và người dân) Thanh tra Chính phủ đã đưa ra các con số đáng suy nghĩ: chỉ có 4,9% cán bộ quản lý doanh nghiệp được hỏi cho rằng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả cao (con số này ở người dân là 2,7%) và có 30,8% người dân cho rằng tỷ lệ thu hồi là không đáng kể. 

Trên thực tế thời gian qua có khá nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, gây thiệt hại cho Nhà nước từ vài trăm tỷ đồng đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng tài sản tham nhũng thu về cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Điển hình là vụ án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như, theo bản án của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM thì Như phải thi hành tổng số tiền gần 14 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu hồi cho ngân sách nhà nước trên 11 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay nhân vật này mới thi hành chưa được 170 tỷ đồng.

Nói như Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Nếu tài sản tham nhũng không thu hồi được thì mục tiêu chống tham nhũng chưa hiệu quả. Nhưng cũng theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam là dưới 10%, năm 2014 là khoảng 22%; năm 2015, mặc dù tỷ lệ này có cao hơn nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 

Chỉ ra các nguyên nhân, có tới 76,3% cán bộ công chức cho rằng pháp luật hiện hành còn thiếu các biện pháp đặc biệt nhằm truy nguyên nguồn gốc tài sản và hạn chế tẩu tán, che giấu tài sản (giám sát giao dịch, tình báo tài chính…); 53,7% cho rằng thẩm quyền của các cơ quan thực thi pháp luật trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn như phong tỏa, tạm giữ nhằm mục đích thu hồi tài sản còn hạn chế và 76% thừa nhận thiếu các biện pháp quản lý, kiểm soát biến động tài sản, thu nhập.

Rõ ràng là việc không minh bạch tài sản - ngay từ đầu - đã kéo theo nhiều hệ lụy khó giải quyết, nhưng nói gì đi chăng nữa thì mọi kẽ hở của pháp luật đều bắt nguồn từ con người và do con người. Bởi vậy, không phải không có lý khi rất nhiều cán bộ công chức và người dân đều đề nghị cần phải thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN; bắt đầu bằng việc bản thân mỗi cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị này phải tuyệt đối tuân thủ mọi quy định của pháp luật về PCTN - có nghĩa là chống tham nhũng phải bắt đầu từ chính cơ quan PCTN. Để làm được điều đó thì cần cả một quá trình lâu dài chứ không thể ngày một, ngày hai. 

-  Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không hoặc chưa tố cáo, phản ánh về tham nhũng tới cơ quan chức năng; trong đó, không biết cách phản ánh: 16,7%; ngại ảnh hưởng đến mình: 20,8%; không tin tưởng có thể xử lý: 26,7%.

- 53,1% doanh nghiệp cho biết họ đã xây dựng, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, doanh nghiệp cũng trực tiếp tham gia vào các tình huống “có dấu hiệu tham nhũng”. Có 32,6% cán bộ quản lý doanh nghiệp thừa nhận họ thường dùng biện pháp hối lộ trực tiếp cho cán bộ xử lý vụ việc; 72,9% tặng quà cho cán bộ, công chức, viên chức- những người có liên quan đến việc giải quyết công việc vào các dịp lễ, tết, hiếu, hỷ…

(Số liệu tại Báo cáo kết quả khảo sát 10 năm thi hành Luật PCTN do Thanh tra Chính phủ thực hiện)

Đọc thêm