Cán bộ “vô sản” khi vô số “của chìm, của nổi”
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có nhiều qui định về phòng ngừa xung đột lợi ích và đề ra các biện pháp và cơ chế yêu cầu công chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền về những hoạt động bên ngoài, công việc, các khoản đầu tư ra bên ngoài hay tài sản, quà tặng hoặc lợi ích có giá trị lớn mà có thể gây xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ nhưng tình trạng “sân sau” thực chất vẫn tồn tại và cũng có những vi phạm liên quan đến vấn đề xung đột lợi ích.
Không những thế còn làm suy giảm hiệu quả và tính thực chất của biện pháp kê khai tài sản, thu nhập như một biện pháp phòng ngừa tham nhũng bởi căn cứ vào bản kê khai thì một số trường hợp cán bộ thuộc diện “vô sản” cho dù ai cũng biết cán bộ đó có rất nhiều bất động sản trải khắp trong Nam, ngoài Bắc, chưa kể những tài sản “chìm”…
Thực tế khảo sát của Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, có 35,6% người dân đánh giá tích cực về việc thực hiện qui định về kê khai tài sản, thu nhập, còn 17,5% cho rằng biện pháp này không có tác dụng. Điều này phù hợp với báo cáo chính thức của cơ quan có trách nhiệm và nhận định biện pháp kê khai, tài sản hiện nay “còn mang tính hình thức, ít tác dụng”, không có tác động nhiều cho công tác phát hiện tham nhũng.
Trong khi đó, việc kê khai thiếu trung thực bị xử lý rất ít, chỉ vài vụ/năm, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hơn 1 triệu bản kê khai tài sản. Như số liệu của Thanh tra Chính phủ cho biết, tính đến 31/5/2015, trong số 1.225 người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập được cơ quan chức năng xác minh thì chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực (chiếm 0,32%).
Thậm chí báo cáo của UBND TP.Hà Nội cho thấy “không có trường hợp nào phải xác minh và xử lý về kê khai tài sản, thu nhập không trung thực”. Hay theo báo cáo của Bộ Xây dựng với Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng mới đây thì Bộ cũng “chưa phát hiện xác minh, xử lý trường hợp nào kê khai không trung thực”.
Theo đánh giá của cán bộ, công chức và người dân được khảo sát, nguyên nhân dẫn đến tính hình thức của biện pháp kê khai tài sản, thu nhập là do qui định về việc chủ kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, vợ (chồng), con chưa thành niên là chưa đủ, có quá nhiều đối tượng phải kê khai nên khó kiểm soát hiệu quả; bản kê khai chưa được công khai rộng rãi để người dân biết, giám sát.
Quan trọng là vẫn còn “nền kinh tế tiền mặt” và Nhà nước chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội. Ông Đinh Văn Minh – phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ lý giải nguyên nhân chưa triển khai được việc giao dịch qua tài khoản để dễ kiểm soát thu nhập là do thiếu cơ sở về hạ tầng, công nghệ vì muốn chi trả qua tài khoản thì tất cả hoạt động của công ty, doanh nghiệp, hộ kinh tế phải thể hiện qua sổ sách, thuế, tài khoản.
Kê khai nhiều, xác minh ít
Ông Nguyễn Khắc Chanh – Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định nhận thấy kê khai tài sản mới chỉ áp dụng với cán bộ, công chức, người có chức vụ mà bản kê khai lại “trong vùng bí mật”, chỉ trong nội bộ cơ quan nên người dân không được biết để giám sát. Bản thân cơ quan thanh tra được giao giám sát việc kê khai nhưng bản kê khai tài sản, thu nhập lại được coi như tài liệu mật nên chỉ khi có vấn đề, có đơn thư mới giám sát thì khó hiệu quả.
Cùng với đó, việc quản lý bản kê khai tài sản hiện nay hết sức phức tạp, khó khai thác và quản lý phục vụ cho công tác phòng ngừa và phát hiện tham nhũng. Ông Ngô Mạnh Hùng– Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ không quản lý trực tiếp các đầu mối kê khai tài sản mà việc quản lý các đầu mối kê khai tài sản còn thông qua các cấp hành chính của 22 Bộ, 63 địa phương, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Đảng, Quốc hội và các cơ quan tư pháp. Riêng Thanh tra Chính phủ quản lý 101 đầu mối kê khai tài sản.
Theo đa số người được hỏi, biện pháp kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chỉ hiệu quả khi có đủ điều kiện để kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội. Hiện Thanh tra Chính phủ đã soạn thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo qui định của Luật Phòng, chống tham nhũng và dự kiến sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng.
“Nếu có qui định về vấn đề này sẽ ngăn chặn được tài sản bất minh, tẩu tán ra nước ngoài và thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản khi có hành vi tham nhũng” - ông Ngô Mạnh Hùng nhận định.
Do vậy, phải có cơ chế để tất cả các bản kê khai đều được xác minh về tính trung thực. Trước hết, phải thu hẹp đối tượng phải kê khai vì thực tế “có những người chẳng có gì để kê khai” – nhiều ý kiến đề nghị. Đồng thời cần có cơ quan quản lý tập trung bản kê khai tài sản, có trách nhiệm nghiên cứu và quyết định việc xác minh các bản kê khai có nghi ngờ có sự không trung thực hoặc khi nhận được các thông tin, tố cáo về việc không trung thực của đối tượng phải kê khai.