Không chiến đấu cũng... dễ lên Tướng

(PLO) - Phong, thăng quân hàm cấp Tướng đã trở thành vấn đề nổi cộm nhất trong thảo luận Dự thảo Luật Công an nhân dân (CAND), khi hàng loạt chức danh thuộc khối tham mưu, tổng hợp cũng được đề nghị phong hàm cấp Tướng, thậm chí chiếm tỷ lệ cao hơn khối trực tiếp chỉ huy chiến đấu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Theo Bộ Công an, Dự thảo Luật CAND (sửa đổi) quy định việc phong, thăng quân hàm cấp Tướng trong lực lượng CAND chặt chẽ, đúng nhu cầu; quy định cấp bậc hàm cấp trưởng cao hơn cấp bậc hàm cấp phó một bậc; không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong hàm cấp tướng và “phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy ngành CAND và bảo đảm tương quan với Quân đội nhân dân”. 
Nhưng thảo luận về Dự thảo Luật này chiều qua 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bày tỏ nhiều ý kiến quan ngại về tính thiếu thống nhất của qui định phong, thăng quân hàm cấp Tướng trong lực lượng CAND.
Lo ngại “ra đường gặp Tướng”
Đó là tâm tư chung khi Dự thảo Luật CAND (sửa đổi) đã nâng trần và mở rộng diện một số chức vụ có trần cấp hàm Tướng so với Luật CAND hiện hành. 
Theo đó, hầu như tất cả các Cục trưởng đều có trần cấp hàm Thiếu tướng, một số là Trung tướng và nhiều chức danh tương đương với chức vụ Cục trưởng cũng có trần cấp hàm Thiếu tướng, Trung tướng, trong đó có chức danh mới được bổ sung vào Dự thảo Luật như Hiệu trưởng Trường Sĩ quan tham mưu; đồng thời quy định phong cấp bậc hàm tướng đối với cả một số chức vụ ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các đơn vị có tính chất dịch vụ công. 
Ngay khi thẩm tra Dự thảo Luật CAND (sửa đổi), đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về việc xác định vị trí có nhu cầu hàm cấp tướng và tiêu chí của mỗi cấp bậc hàm tướng để làm căn cứ xác định, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với từng loại cơ quan, đơn vị trong CAND. 
Theo đó, cần quy định cấp bậc hàm cao nhất cho từng nhóm chức vụ cơ bản để xác định các chức vụ khác nếu tương đương về chức vụ thì tương đương về quân hàm; quy định rõ số lượng sĩ quan cấp tướng trong CAND để bảo đảm cơ cấu cấp bậc hàm tướng phù hợp với cơ cấu tổ chức của CAND, đồng thời có sự cân đối, thống nhất, ổn định hệ thống cấp bậc hàm trong toàn lực lượng.
Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội – phản biện với qui định về “trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị là Thiếu tướng” . Ông đề nghị phải chuẩn hóa vị trí “trợ lý” các chức danh lãnh đạo, “nếu không sẽ có tham nhũng trong công tác cán bộ vì “qui định như Dự thảo Luật CAND sẽ có thể dẫn đến tình trạng thích là “xách” một ông lên làm trợ lý và được phong tướng”. 
Còn Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc qui định phong hàm cấp tướng trong Dự thảo để bảo đảm tương quan với Quân đội nhân dân ở địa phương thì không có nghĩa là các cấp hàm ở Trung ương (giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) cũng phải tương đương, mà phải căn cứ và có sự tương xứng với các điều kiện khác liên quan của từng lực  lượng. 
Không để Bộ “nhiều Tướng” hơn đơn vị chiến đấu
Theo ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội - xác định các cấp bậc hàm cao nhất phải bảo đảm cân đối giữa các khối trong CAND nên phải tính lại khi theo Dự thảo, khối tham mưu, tổng hợp, phục vụ được phong cấp hàm Trung tướng chiếm tỷ lệ nhiều hơn khối trực tiếp chỉ huy chiến đấu. 
Ông Huỳnh Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Quốc hội – cũng cho rằng: “Phải cân nhắc về tính hợp lý của việc phong hàm cấp tướng đối với một số vị trí thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, chức vụ bên Đảng trong Công an TƯ, không thể để ở Bộ, Tướng nhiều mà đơn vị chiến đấu lại không có Tướng”. 
Phân tích những điểm bất nhất giữa qui định và nguyên tắc phong hàm cấp tướng trong Dự thảo, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - nhấn mạnh: “Vấn đề là không phải lo quá nhiều số lượng Tướng của Bộ Công an theo qui định mở rộng diện và trần được phong hàm cấp tướng trong Dự thảo Luật mà phải căn cứ vào yêu cầu thực tế hoạt động nên phải rà soát chức vụ, cấp bậc nào tương xứng với hàm cấp tướng vì phong tướng không phải để hưởng chế độ, chính sách”.
Dự thảo Luật CAND (sửa đổi) bị đánh giá là “chưa thực hiện triệt để chỉ đạo của Bộ Chính trị và ý kiến của UBTVQH”, nhất là trong việc thể hiện những qui định về cấp hàm cao nhất trong CAND nên “sẽ phải tiếp tục có những lập luận rõ ràng hơn nếu muốn thuyết phục Quốc hội” – ông Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý.
Trong Dự thảo Luật CAND (sửa đổi), chức danh Thứ trưởng thứ nhất được đề xuất cấp hàm Đại tướng vì theo Bộ Công an, chức danh này đứng vị trí thứ hai trong Bộ Công an, sau Bộ trưởng để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tương quan với Quân đội nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Cơ quan thi hành pháp luật phải chấp hành pháp luật. Không cơ quan nào có vị trí phó thứ nhất, phó thứ hai thì sao Bộ Công an lại có chức danh Thứ trưởng thứ nhất?”. 

Đọc thêm