Nâng cao khả năng đối phó với nguy cơ tấn công mạng của Ngành BHXH

(PLVN) Trong 2 ngày 18,19/11, tại Đà Nẵng, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị An toàn thông tin (ATTT) mạng Ngành BHXH năm 2019. 
Hội nghị An toàn thông tin mạng Ngành BHXH 2019 diễn ra tại Đà Nẵng
Hội nghị An toàn thông tin mạng Ngành BHXH 2019 diễn ra tại Đà Nẵng

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Cục Cơ yếu Đảng Chính quyền - Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện lãnh đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong những năm qua, toàn Ngành BHXH đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ người dân,  doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.  

Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo BHXH 63 tỉnh thành trong cả nước
Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo BHXH 63 tỉnh thành trong cả nước 

Theo ông Sơn, hiện tại, hệ thống thông tin tập trung của Ngành thường xuyên có trên 20.000 tài khoản cán bộ, công chức, viên chức của gần 1.500 đơn vị trong ngành BHXH (tính từ cấp phòng, BHXH huyện trở lên) thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng.

Hệ thống thông tin của Ngành cũng kết nối liên thông đến trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh và khoảng 500.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Mỗi năm Cổng giao dịch điện tử nhận và xử lý hàng triệu lượt hồ sơ dịch vụ công.

Từ đầu năm 2019 đến nay, có 48 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến. Ngoài ra, hệ thống thông tin của Ngành cũng đang kết nối đến các Bộ, Ngành khác như Bộ Thông tin- Truyền thông, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các đơn vị cung cấp dịch vụ BHXH điện tử (I-VAN).

“Nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho cho hệ thống CNTT, ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng Trung tâm điều hành hệ thống CNTT với Đội vận hành và xử lý sự cố trực 24/24 giờ; triển khai nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng về an toàn thông tin; Tham gia Mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia, phối hợp với các cơ quan chuyên trách về an toàn thông tin Bộ TT&TT; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính Phủ để phát hiện, xử lý sự cố an toàn thông tin”, ông Sơn nêu.

Theo đánh giá, Ngành BHXH là một trong những đơn vị đi đầu trong việc phát triển và ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành công việc. Để đảm bảo các dịch vụ và ứng dụng này hoạt động thông suốt, hiệu quả, ngành BHXH đã áp dụng mạnh mẽ chữ ký số vào các quy trình làm việc. 

Ông Phạm Lương Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị
Ông Phạm Lương Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị 

Thời gian qua vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn về tương quan lực lượng và năng lực giữa tội phạm mạng và đội ngũ phòng thủ. Hậu quả của một cuộc tấn công có chủ đích sử dụng mã độc gián điệp (APT) vào các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia luôn hiện hữu và không thể lường được và hệ thống thông tin ngành BHXH cũng không phải là ngoại lệ.

Do đó, việc triển khai các nội dung, hoạt động nhằm nâng cao khả năng đối phó với các nguy cơ tấn công mạng, nâng cao nhận thức về tình hình an toàn thông tin cho công chức, viên chức trong ngành, rất quan trọng.  

Hội nghị cũng là cơ hội để các đơn vị cùng trao đổi nhằm thực hiện tốt hơn sự phối hợp giữa các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin mạng tại BHXH tỉnh, thành phố với Trung tâm CNTT - BHXH Việt Nam và giữa các đơn vị với nhau để nâng cao khả năng sẵn sàng trước các cuộc tấn công mạng, bảo vệ hệ thống mạng, hạ tầng thông tin; nâng cao ý thức, trình độ cho cán bộ kỹ thuật, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức ngành BHXH về an toàn thông tin mạng.

Đọc thêm