Nhân dân đã có thực quyền trong giám sát tài sản của cán bộ lãnh đạo

(PLO) - Nếu như trước đây, một số vấn đề liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý do  không công khai nên người dân dù được trao quyền giám sát cũng không biết gì để giám sát. Nhưng với Quyết định 99 do Ban Bí thư mới ban hành thì sự giám sát của nhân dân không còn là hình thức mà đã đi vào thực chất, từ đó phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Lần đầu tiên Ban Bí thư có hướng dẫn cụ thể về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý để người dân giám sát.
Lần đầu tiên Ban Bí thư có hướng dẫn cụ thể về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý để người dân giám sát.

Nhân dân đã rất phấn khởi khi Quyết định 99 của Ban Bí thư Trung ương (ban hành Hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ) đã nêu rất cụ thể về những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết và trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng. Theo đó, phải công khai kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).

Đặc biệt, Quyết định 99 yêu cầu không chỉ công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; 19 điều quy định đảng viên không được làm… mà còn phải công khai cả Bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định. 

Lâu nay, đối với các bản kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý thường là được cất vào ngăn tủ, người dân không thể biết rõ tính trung thực, tính chính xác của việc kê khai. Với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, việc kê khai và giám sát của dân đã đi vào thực chất hơn, triệt để hơn và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. 

Bên cạnh đó, dư luận cũng đánh giá cao các hình thức công khai, bao gồm: Công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.

Nhấn mạnh đến tác dụng to lớn của những hình thức công khai này, phát biểu tại buổi họp giao ban của giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” diễn ra ngày 17/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định: “Từ các kết luận kiểm tra, kiểm toán thanh tra được công khai thì vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng lãng phí được nhân lên. Đây là điều kiện báo chí vào cuộc viết những tin bài phản ánh công tác phòng chống tham nhũng trong cả nước”.

Đáng chú ý, trong công tác tổ chức thực hiện, bản Hướng dẫn đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “hoàn thiện quy định và thực hiện lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hoặc đột xuất khi thấy cần thiết đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Xây dựng cơ chế xem xét giải quyết những trường hợp có phản ánh của cử tri, nhân dân và dư luận liên quan đến những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”…

Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện đầy đủ nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và phục vụ nhân dân của các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước; đổi mới cách lấy ý kiến nhân dân, có cơ chế thích hợp để nhân dân hiến kế, bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình. Xây dựng và thực hiện quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; có hình thức xử lý kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp…

Có thể nói, việc người dân tham gia giám sát cũng là quá trình tham gia vào xây dựng Đảng, coi việc của Đảng cũng như việc của dân, giúp cho quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đạt hiệu quả cao, củng cố niềm tin yêu của nhân dân với Đảng, như mục đích mà Quyết định 99 đã đề ra. 

Đọc thêm