Điểm nhấn tại Thông tư này là việc không chỉ quy định nguyên tắc ứng xử của người chiến sĩ CAND trong giao tiếp với dân, trong quan hệ nội bộ, quan hệ xã hội mà còn quy định rõ nguyên tắc trong ứng xử với người vi phạm pháp luật.
Nhiều hành vi chưa đẹp
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, một số cơ quan báo chí đã phản ánh những hành vi không đẹp và có phần chưa chuẩn mực của người chiến sĩ công an đối với người dân. Đó là hình ảnh một Trưởng Công an xã ở tỉnh Thừa Thiên Huế đánh người dân đến mức phải nhập viện cấp cứu. Rồi hành vi quát tháo, đá bay thau cá, thúng rau và đập phá dụng cụ của người bán hàng rong của vị Trưởng Công an xã thuộc huyện Krông Ana (Đắk Lắk)….
Mặc dù, sau sự việc trên, vị Trưởng Công an xã có hành vi đánh dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và cho thôi chức; còn ông Trưởng Công xã có hành vi đá thau cá, đập phá dụng cụ của người bán hàng rong cũng đã có buổi xin lỗi công khai các tiểu thương, người bán hàng rong tại địa bàn. Nhưng chắc chắn những hình ảnh không đẹp đó sẽ còn rất lâu nữa mới có thể nguôi ngoai trong dư luận.
Nếu đối chiếu với Thông tư 27 của Bộ Công an thì những hành vi thiếu chuẩn mực trên sẽ bị liệt vào “cửa cấm”. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư này, “khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ CAND phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực, không có lời nói, hành vi xúc phạm…”. Tất nhiên, không phải đến bây giờ Bộ Công an mới ban hành các quy tắc chuẩn mực nêu trên mà từ nhiều năm trước, Bộ này đã đồng thời ban hành nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo về ứng xử của cán bộ, chiến sĩ, như: Chỉ thị số 03 (năm 2014) về “Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; Chỉ thị số 07 ngày 26/10/2016 về “Tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử CAND trong tình hình mới”…
Có thể nói, nhiều quy định trong các văn bản luật nói trên và Thông tư 27 chính là sự hệ thống, cụ thể hóa “6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”; “5 lời thề danh dự” và “10 điều kỷ luật của Công an nhân dân” mà bất kỳ chiến sĩ, lãnh đạo công an nào cũng thuộc nằm lòng và thực thi hàng ngày. Câu hỏi đặt ra là vì sao thực tế vẫn xảy ra những vụ việc liên quan đến quá trình thi hành công vụ của người CAND khiến người dân phải bức xúc? Đó là vì không ít người trong lực lượng công an tự coi mình có quyền được quát nạt, thậm chí là vòi vĩnh dân khi dân làm sai, trong khi đó người dân - với tư thế là người mắc lỗi thường có tâm lý “ngậm bồ hòn làm ngọt”….
Phải có cơ chế rõ ràng để thực hiện và giám sát
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành quy định về quy tắc ứng xử của CAND là một trong các giải pháp quan trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của đảng viên, cán bộ, chiến sĩ CAND với cơ quan, tổ chức, nhân dân; phát huy vai trò giám sát của nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”…
“Theo tôi được biết thì Thông tư 27 của Bộ Công an đã được rất nhiều người dân đón nhận. Họ hy vọng sau khi có hiệu lực, thông qua văn bản này, người dân sẽ có công cụ để đối chiếu, so sánh và giám sát những hành vi không đúng của lực lượng công an”- Luật sư Lê Thiên, Giám đốc Công ty Luật Lê và Liên danh bày tỏ. Nhưng vị luật sư này cũng không khỏi băn khoăn khi đặt vấn đề: có thông tư rồi thì phải thực hiện sao cho nghiêm túc? Từ đó, vị này cho rằng cần phải có một cơ chế rõ ràng để thực hiện, giám sát và đánh giá.
Cùng quan điểm trên, ông Lương Chung, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, để Thông tư 27 có thể phát huy hiệu quả cao trong thực tế thì trước hết mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải nhận thức được sự quan trọng của các quy tắc ứng xử, phải có tinh thần tự giác chấp hành. Ngoài ra, bên cạnh vai trò giám sát của nhân dân thì bản thân mỗi cơ quan, đơn vị phải có các công cụ mạnh để kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm. Trong trường hợp này, vai trò của người đứng đầu đơn vị là rất quan trọng.
Có thể nói, nâng cao văn hóa ứng xử của CAND là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm điều lệnh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa cho mỗi cán bộ, chiến sỹ. Qua đó, góp phần xây dựng lực lượng công an ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Nói như Thiếu tướng Đào Gia Bảo, Cục trưởng Cục Công tác chính trị (Tổng cục Chính trị, Bộ Công an) thì các cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương trong thực hiện quy tắc ứng xử của CAND, cũng như việc tổ chức các hình thức tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ CAND.