Quảng Trị dôi dư 258 cán bộ, công chức cấp xã

(PLVN) - Sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, tỉnh Quảng Trị sẽ dôi dư 258 cán bộ, công chức (129 cán bộ và 129 công chức); người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 227 người.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội nghị.

Đây là thông tin được nêu ra tại Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2021 do Bộ Nội vụ tổ chức sang nay (31/10) tại Hà Nội.

Bố trí riêng chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch HĐND 

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị Hồ Ngọc An, tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án sắp xếp 24 ĐVHC cấp xã (23 xã và 1 thị trấn), trong đó, có 22 xã và 1 thị trấn có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định; 1 xã thực hiện sắp xếp theo diện khuyến khích.

Tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất chưa sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là huyện đảo Cồn Cỏ, thị xã Quảng Trị và 9 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện của tỉnh. Như vậy, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Trị giảm sau sắp xếp là 16 đơn vị (16 xã).

Việc bố trí, sắp xếp các chức danh cán bộ, công chức ở các xã mới hình thành sau khi sắp xếp thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ về số lượng, chức danh cán bộ, công chức cấp xã; các xã sau khi sắp xếp áp dụng số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định đối với xã loại 2, mỗi xã 10 cán bộ và 11 công chức.

Quảng Trị dôi dư 258 cán bộ, công chức cấp xã ảnh 1
Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị Hồ Ngọc An báo cáo tại hội nghị.

Số lượng cán bộ, công chức bố trí tại 17 xã, thị trấn được hình thành sau khi sắp xếp từ 33 xã, thị trấn (giảm 16 xã) là 354 người. Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Quảng Trị sẽ dôi dư 258 cán bộ, công chức (129 cán bộ và 129 công chức); người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 227 người.

Để sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, tỉnh Quảng Trị sẽ bố trí các chức danh như Bí thư Đảng ủy riêng và Chủ tịch HĐND riêng; bố trí tăng thêm cấp phó và thực hiện lộ trình giảm dần trong 5 năm.

 Bên cạnh đó, sẽ tiếp nhận cán bộ vào công chức để bố trí tại các xã, thị trấn mới thành lập và các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện; tuyển dụng cán bộ vào công chức cấp huyện; thực hiện tinh giản biên chế và giải quyết chế độ thôi việc theo quy định…, đảm bảo đến năm 2025 sẽ thực hiện bố trí số lượng, chức danh cán bộ, công chức cấp xã theo đúng quy định.

Phát biểu tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị giải trình, làm rõ đảm bảo tính thuyết phục đối với 2 ĐVHC cấp huyện và 9 ĐVHC cấp xã chưa đạt 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nhưng tỉnh đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021.

Về số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp, tỉnh đã thống kê số lượng cụ thể và xây dựng lộ trình giảm sau 5 năm, đề nghị tỉnh Quảng Trị có phương án cho từng năm, từng đối tượng cụ thể; đồng thời, rút ngắn lộ trình thực hiện.

Tránh phát sinh các tiêu cực, khiếu kiện

Lý giải về việc chưa thực hiện sắp xếp huyện đảo Cồn Cỏ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập năm 2004 do yêu cầu bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia trên biển Đông. 

Huyện đảo Cồn Cỏ có vị trí địa lý cách xa đất liền, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển Đông. Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030, sẽ xây dựng đảo Cồn Cỏ thành đảo lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh, làm cơ sở vững chắc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng biển của Tổ quốc.

Đối với thị xã Quảng Trị là địa danh gắn liền với lịch sử truyền thống cách mạng. Di tích thành cổ Quảng Trị là điểm hẹn truyền thống của các thế hệ cựu chiến binh, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào cả nước, với hàng trăm ngàn lượt người đến tham quan hàng năm, trở thành nơi có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch tổng thể, thị xã Quảng Trị sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật phía nam của tỉnh Quảng Trị. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về các lĩnh vực văn hóa- xã hội, gắn với việc thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội; tôn tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa – lịch sử. Đồng thời, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, giữ vững quốc phòng, an ninh…

Với những đặc thù nêu trên, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị chưa tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị trong giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Trị sẽ xem xét mở rộng thêm một số xã của huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong.

Quảng Trị dôi dư 258 cán bộ, công chức cấp xã ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn kết luận hội nghị 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung, giải trình theo yêu cầu. Xây dựng lộ trình cụ thể và giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn dôi dư, tránh phát sinh các tiêu cực, khiếu kiện; rút ngắn lộ trình thực hiện giải quyết đối với những người dôi dư.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị hoàn thiện hồ sơ, Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các số liệu thể hiện trong Đề án cần được rà soát lại và sử dụng số liệu mới nhất do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, đảm bảo số liệu chính xác, tin cậy.

Tại hội nghị, Hội đồng thẩm định đã thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Quảng Trị.

Đọc thêm