Rừng càng “co lại”, phòng chống lũ càng “căng”

(PLO) - Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017 cho hay, tổng diện tích rừng hiện có của Việt Nam là 14.415.381 ha, trong đó có 10.236.415 ha rừng tự nhiên và 4.178.966 ha rừng trồng với độ che phủ toàn quốc 41,45%. Các nhà khoa học cho rằng, việc trồng mới rừng không đủ để phục hồi các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái và không đủ khả năng phòng chống thiên tai, lũ lụt.
Việc giữ rừng tự nhiên đang là thách thức lớn của nước ta
Việc giữ rừng tự nhiên đang là thách thức lớn của nước ta

Rừng tự nhiên ngày càng suy kiệt 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên nhận định, song hành với sự tăng trưởng diện tích rừng trồng thì diện tích rừng tự nhiên lại bị thu hẹp. “Điều đáng lưu ý là chất lượng rừng tự nhiên cũng ngày càng suy giảm. Điều này cho thấy một mặt ngành lâm nghiệp đang trên đà tăng trưởng mạnh nhưng mặt khác cũng phải đối mặt với thực tế suy giảm chất lượng rừng, suy giảm khả năng chống chịu trước những rủi ro thiên tai, mưa lũ”, ông Dũng nói và đặt câu hỏi: “Vậy có thể thúc đẩy bảo vệ rừng tự nhiên như thế nào để hạn chế thiên tai (?).

Theo ông Dũng, vừa rồi Chỉ thị 13 của Ban Bí thư cũng nhấn mạnh tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên, hạn chế chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác nhưng thực tế rất khác biệt. Tỉnh Lào Cai hiện đang đề xuất 19 thủy điện và vận động các bộ để được tiếp tục làm.

TS. Nguyễn Tiến Hải thuộc CGIAR dẫn con số thực tế, tại Sơn La, theo quy hoạch có khoảng 1 triệu ha đất được quy hoạch là đất rừng nhưng hiện tại chỉ có 600.000 ha được che phủ bởi rừng trồng và rừng tự nhiên, 300.000ha là đất trống chưa có rừng và chủ yếu được người dân sử dụng canh tác nông nghiệp. “Hậu quả là mất đất, lũ lụt, hạn hán. Nếu chúng ta không có giải pháp cụ thể thì hậu quả còn nặng nề hơn”, ông Hải nói.

Thách thức bài toán giữ rừng

TS. Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam chỉ ra những thách thức trong bài toán giữ rừng và phát triển rừng. Đó là, thu nhập từ rừng phục hồi thấp, chưa đủ khuyến khích người dân giữ rừng; kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phục hồi rừng thấp, phí chi trả PFES thấp.

“Chúng ta có Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng ở các địa phương rồi nguồn từ trồng rừng thay thế nhưng Quỹ này rất hạn chế để có thể phục hồi được, hiện có 4 triệu ha rừng phòng hộ thì nguyên phục hồi để đảm bảo chức năng phòng hộ đã khó”, TS. Đồng cho biết.

 Cùng với đó, trữ lượng rừng thấp; chi phí phục hồi rừng rất cao; năng lực quản lý rừng của các bên liên quan chứ không riêng chủ rừng đều thấp. Sự lấn át của các loài cây kinh tế đối với rừng tự nhiên, việc chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang rừng trồng tại các địa phương hiện rất mạnh.

Việc gọi là rừng nghèo (để tiến hành chuyển đổi) phụ thuộc vào quan điểm của chúng ta: nếu gọi là rừng nghèo thì chúng ta chắc chắn muốn chuyển đổi sang loại khác tốt hơn nhưng nếu coi là rừng đang phục hồi thì chúng ta sẽ có biện pháp, thái độ phục hồi tốt hơn.

Ngoài ra, thách thức từ việc biến đổi khí hậu cũng không hề nhỏ. Nhưng theo TS. Nguyễn Lan Châu, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, ngoài yếu tố tự nhiên còn yếu tố con người cũng ảnh hưởng rất lớn. Việc phá rừng nguyên sinh, phá rừng phòng hộ đầu nguồn... sẽ khiến đất bị rửa trôi, dễ gây xói mòn, sạt lở.

Vấn đề sử dụng đất thiếu quy hoạch hợp lý (xây dựng các công trình, giao thông), đặc biệt là việc xây dựng thủy điện, thủy lợi, đập dâng, thậm chí đập do dân tự làm... tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Song song với đó là nhiều diện tích rừng bị chuyển đổi sang mục đích kinh tế khiến chất lượng rừng suy giảm, khả năng giữ đất rất kém, mưa xuống là sạt lở, xói mòn, lũ quét, càng ngày càng nhiều. 

Vai trò của rừng tự nhiên trong phòng chống lũ là đương nhiên

GS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết, rừng có vai trò hiển nhiên trong việc phòng hộ, đặc biệt là rừng tự nhiên. Mưa bão cũng do tự nhiên, giữa những tự nhiên này có sự hài hòa.

Phân tích về mặt chính sách, GS Lung cho rằng, Luật Lâm nghiệp năm 2017 có một số điều nói về đóng cửa rừng tự nhiên, tuy nhiên, trong khi các nhà vận động chính sách và các nhà khoa học đều muốn đóng cửa rừng tự nhiên để rừng tự nhiên chỉ làm hai nhiệm vụ là môi trường và xã hội (nhiệm vụ xã hội có nghĩa là vẫn có cơ chế cho người dân sinh sống trong rừng nhưng theo hướng tạo môi trường phát triển bền vững) thì Luật lại hơi có chút nhầm lẫn.

Người làm luật quan niệm đóng cửa rừng tự nhiên là nằm trong quy trình khai thác bộ phận, tức giai đoạn này sẽ có quyết định này, thông tư kia theo quy trình cấp giấy phép khai thác, phê duyệt thiết kế khai thác, cấp giấy phép mở cửa rừng, ban hành quyết định đóng cửa rừng trong một chu kỳ nhất định.

Ông Đào Anh Linh thuộc Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội (SCODE) cho rằng, cần xem lại bài toán có nên đánh đổi làm thủy điện, trồng cây nọ cây kia để cuối cùng lại bị mưa lũ tàn phá. “Cách tư duy liệu đã hợp lý? Về ý để rừng tự phục hồi, tôi nghĩ chưa hẳn đúng ở một số trường hợp, ví dụ như vùng cát ở Vĩnh Linh, cây tràm vốn mọc tự nhiên ở đó nhưng đã bị phát đi để trồng keo, nhưng keo không sống được mà nếu để tự nhiên thì vài năm nữa vùng đó còn trắng hơn”, ông Linh chia sẻ. 

Đọc thêm