Theo thông tin được đưa ra tại Tọa đàm cho thấy, tính đến chiều 22/7, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 đã khiến 41 người chết, mất tích và bị thương, khoảng 15.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, trong đó trên 5.500 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Trước đó, đợt mưa lũ hồi cuối tháng 6 cũng khiến 33 người chết và mất tích. Bên cạnh yếu tố khách quan của hiện tượng tự nhiên, mất rừng thường được cho là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra những thiệt hại này.
Trong khi đó, theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017, tổng diện tích rừng hiện có của Việt Nam là 14.415.381 ha, trong đó có 10.236.415 ha rừng tự nhiên và 4.178.966 ha rừng trồng với độ che phủ toàn quốc 41,45%. Với con số này, tổng diện tích rừng tăng nhẹ so với con số 14.377.682 ha và độ che phủ 41,19% năm 2016.
Tuy nhiên, xét riêng từng loại rừng, rừng tự nhiên đã giảm 5.726 ha so với diện tích 10.242.141 ha năm 2016. Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 10.242.141 ha rừng tự nhiên năm 2016 thì chỉ có 8.839.154 ha rừng gỗ, còn lại là rừng tre nứa thuần, rừng hỗn hợp và rừng cau dừa. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, trong số 8.839.154 ha rừng gỗ tự nhiên thì chỉ có 8,7% là rừng giàu.
Ngoài ra, theo kết quả đánh giá nhiều năm, dù tổng diện tích rừng của Việt Nam tăng thuần từ 2004 đến 2016, rừng phòng hộ lại là đối tượng có những biến động âm lớn nhất về diện tích trong ba loại rừng, với tốc độ giảm diện tích trung bình khoảng 2%/năm.
Báo cáo 2012 của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế cho biết Việt Nam đang ở phía cuối của đường cong diễn biến rừng. Điều này có nghĩa là, mặc dù độ che phủ rừng đã tăng lên trong hai thập kỷ qua nhưng chất lượng rừng lại giảm. Diện tích rừng suy kiệt ngày càng tăng; ngay cả khi có rừng trồng mới thì mật độ cây rừng nhìn chung vẫn giảm.
Kết quả này cho thấy rằng chỉ thuần túy nâng cao diện tích rừng bằng các chương trình trồng mới rừng không đủ để phục hồi các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái.
Nêu ý kiến tại Tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng – cho rằng, rừng có chức năng chính nhằm đóng góp sự phát triển kinh tế của đất nước nhưng đang bị hạn chế do hiện nay nhiều khu vực đang bị suy thoái do tác động từ việc mở rộng nông nghiệp.
Theo Giáo sư Lung, để phục hồi rừng tự nhiên cần có những cố gắng và phòng bị sâu trước sự biến đổi khí hậu nhằm tạo ra môi trường phát triển bền vững cho đất nước. Còn theo Tiến sỹ Trần Lâm Đồng - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cần đẩy mạnh các chương trình phục hồi rừng như Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (327) hay Chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng (661).
Song, Tiến sỹ Đồng chỉ ra rằng việc phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên hiện cũng đang còn nhiều thách thức như thiếu các cơ chế khuyến khích, nhiều doanh nghiệp, chủ hộ khó tiếp cận nguồn vốn, nguồn giống và kỹ thuật, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới của chủ rừng nhỏ hạn chế; năng lực quản lý rừng còn thấp.
Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra hiện tượng chuyển đổi trái phép rừng tự nhiên sang rừng trồng... Trong bối cảnh như vậy, ông Lung cho rằng cần có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy bảo vệ và phục hồi rừng như nâng cao năng lực, đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các bên liên quan trong quản lý và phục hồi rừng.