Sứ mệnh hòa bình khẳng định vị thế, khát vọng Việt Nam

(PLO) - Sau gần 5 năm chuẩn bị, hôm nay, 1/10, tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 số 1 làm Lễ xuất quân của lên đường nhận nhiệm vụ ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc (GGHB LHQ) tại Nam Sudan. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh-Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ thông tin xung quanh sự kiện này.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Thưa Thứ trưởng, với vai trò Trưởng ban Chỉ đạo, Thượng tướng đánh giá như thế nào về hoạt động chuẩn bị lực lượng BVDC của Việt Nam?

- Chúng ta đã đi qua một quãng thời gian chuẩn bị khá dài nhưng vô cùng cần thiết, giúp chuẩn bị thật kỹ, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của LHQ. Đây là nhiệm vụ mang ý nghĩa đặc biệt, đầy khó khăn, được Đảng, Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng đảm nhận. Quá trình chuẩn bị, triển khai có sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia, đòi hỏi chuẩn bị công phu, chặt chẽ. Lực lượng quân y bên cạnh huấn luyện, đào tạo chuyên môn, còn phải học rất nhiều thứ để bảo đảm sẵn sàng và thực hiện tốt nhiệm vụ ở địa bàn phái bộ.

Những năm qua, công tác chuẩn bị nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của nhiều cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng và của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan trung ương, một số bộ, ngành để hoàn tất các văn bản, hệ thống pháp lý chuẩn bị triển khai lực lượng GGHB. Đến hôm nay, chúng ta tự tin là đã hoàn tất, sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ quốc tế mang ý nghĩa cao cả.

Lần đầu tiên Việt Nam xuất quân thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ. Thượng tướng đánh giá như thế nào về sự kiện này? 

- Trong quá trình chuẩn bị, Việt Nam đã đưa 27 lượt sĩ quan tham gia đảm nhiệm các nhiệm vụ cụ thể trong lực lượng GGHB LHQ. Lần này, một đội hình với biên chế hoàn thiện, đủ năng lực thể hiện bước tiến rất lớn của Việt Nam trong tham gia lực lượng GGHB LHQ. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ đạt được thành công, đóng góp cho hòa bình, ổn định của thế giới.

Như tôi biết thì LHQ và thế giới cũng chờ đợi để xem, trong thời chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND) đã rất anh hùng thì nay trong thời bình, quân đội của chúng ta sẽ có khả năng như thế nào. Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định, chứng minh sự đóng góp đối với hòa bình thế giới, chứng minh QĐND Việt Nam tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rất giỏi và bảo vệ hòa bình cũng rất giỏi. Một điểm nổi bật trong lực lượng GGHB đợt này là có 10 nữ sĩ quan.

LHQ rất đề cao vai trò phụ nữ và tỷ lệ nữ của các quốc gia tham dự lực lượng GGHB thường chỉ có khoảng 10% quân số, trong khi chúng ta đạt tỷ lệ nữ chiếm 17% quân số. Điều này mang ý nghĩa lớn, cho thấy Việt Nam vừa thực hiện nhiệm vụ GGHB, vừa thực hiện rất tốt mục tiêu bình đẳng giới của LHQ. Họ rất mong chờ sự có mặt của các nữ sĩ quan Việt Nam ở địa bàn Phái bộ GGHB ở Nam Sudan.

Thượng tướng cho biết về vai trò sứ giả của mỗi cán bộ, sĩ quan QĐND Việt Nam khi tham gia GGHB?

- Mỗi cán bộ, y sĩ, bác sĩ không chỉ là sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa mà còn là sứ giả sức mạnh quân sự. Sức mạnh mà chúng ta có được từ truyền thống, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh quân sự thể hiện qua sự nỗ lực, quyết tâm lớn trong quá trình huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ.

Mỗi người phải học rất nhiều thứ, không chỉ học chuyên môn, còn phải thành thạo ngoại ngữ, thông thuộc luật pháp quốc tế, am hiểu về chính trị, lịch sử, văn hóa địa bàn… Một đại diện phải là như vậy, vừa thể hiện tính đại diện của QĐND Việt Nam hoạt động ở môi trường quốc tế, vừa mang thông điệp hòa bình của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Ở địa bàn phái bộ, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần luôn luôn đề cao tự lực, tự rèn. Hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn phái bộ chính là nơi rèn luyện tốt nhất để nâng cao kỹ năng và trình độ mọi mặt.

Thứ trưởng cho biết tình hình hiện nay ở phái bộ của LHQ mà lực lượng GGHB Việt Nam sẽ có mặt trong vài ngày tới?

- Nam Sudan và nhiều nước ở châu Phi đối diện với đói nghèo, sự mất kiểm soát của chính quyền và xung đột giữa các bộ tộc, phe phái trong một quốc gia. Nhiệm vụ của LHQ là đưa lực lượng đến để ngăn chặn, không để chiến tranh bùng phát trở lại, bảo đảm hòa bình và hòa giải, giúp tái thiết. Tuy nhiên, LHQ có quy định đối với các quốc gia tham gia có thể lựa chọn các nội dung công việc, địa bàn phù hợp, trách nhiệm của bản thân lực lượng GGHB…

Chúng ta tham gia trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bảo vệ hòa bình. Chúng ta không tham gia vào xung đột quân sự, không tham gia vào hệ thống quản trị người dân, chúng ta không tham gia vào những xung đột mà LHQ không có tiếng nói. Nói thế không phải là chúng ta né tránh khó khăn, mà đây là đường lối đối ngoại của chúng ta, không tham gia bất kỳ hoạt động xung đột quân sự nào ở bên ngoài mà chỉ tập trung nhiệm vụ nhân đạo, hòa giải.

An ninh toàn cầu và xung đột xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới đòi hỏi sự có mặt của lực lượng GGHB LHQ. Thời gian tới, Việt Nam có mở rộng nội dung tham gia lực lượng GGHB LHQ không, thưa Thượng tướng?

- LHQ đề nghị nhiều nhưng chúng ta chỉ tham gia phù hợp với đường lối đối ngoại và năng lực. Yêu cầu thứ nhất là bảo đảm an toàn lực lượng; thứ hai là hoàn thành nhiệm vụ. Về phương hướng sắp tới, chúng ta thường xuyên nắm bắt thông tin, rút kinh nghiệm, nghiên cứu, hoàn thiện. Cụ thể, ngay sau lễ xuất quân BVDC cấp 2 số 2 sẽ chính thức được thành lập, triển khai chuẩn bị để sau một năm khi BVDC cấp 2 số 1 trở về thì sẽ thay thế ở địa bàn phái bộ.

BVDC cấp 2 số 1 trở về sẽ trở thành lực lượng cơ động cứu hộ, cứu nạn trong thời bình. Nội dung tiếp theo ta tiếp tục chuẩn bị là lực lượng công binh, dự kiến sẽ đặt vấn đề xuất quân vào cuối năm 2019. Ngoài ra, chúng ta tiếp tục xúc tiến xây dựng Trung tâm GGHB Việt Nam. Vừa rồi, Trung tâm GGHB của Việt Nam được LHQ chứng nhận là trung tâm có tầm cỡ quốc tế của LHQ và là trung tâm ủy thác huấn luyện lực lượng GGHB của LHQ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng.

Đọc thêm