Tìm hướng phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên

(PLVN) - Hôm nay (16/2), Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” sẽ khai mạc tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Hội nghị mang tầm quốc gia này hi vọng sẽ đưa ra được nhiều kế sách, chiến lược, cơ chế tháo gỡ khó khăn, khơi dậy tiềm năng du lịch của từng địa phương vốn hấp dẫn nhưng chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. 
TP Huế đã sẵn sàng cho Hội nghị với hy vọng du lịch của khu vực sẽ có bước đột phá
TP Huế đã sẵn sàng cho Hội nghị với hy vọng du lịch của khu vực sẽ có bước đột phá

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị cùng khoảng 500 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành T.Ư, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp… 

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo thống kê, trong năm 2018, tổng lượng khách đến khu vực miền Trung và Tây Nguyên đạt khoảng 56 triệu lượt (chiếm hơn 60% lượng khách của cả nước) nhưng chỉ chiếm 18,75% tổng thu nhập từ du lịch của toàn quốc gia.

Dòng khách quốc tế đến khu vực này có sự tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc với mức chi tiêu khá thấp (bình quân 2,5 triệu đồng/khách); trong khi đó, thị trường ở các nước Tây Âu có mức chi tiêu cao (5-6 triệu đồng/khách) lại tăng trưởng rất thấp, với 0,2-0,9%/năm. 

Nhân sự kiện này, tỉnh Thừa Thiên - Huế có tổ chức đêm Gala Dinner tại sân điện Cần Chánh (Đại nội Huế) nhằm giới thiệu, thưởng thức và quảng bá ẩm thực cố đô Huế với chủ đề “Huế - Kinh đô ẩm thực” do các nghệ nhân của Huế khôi phục và bảo tồn ẩm thực cung đình, đến với quý khách và bạn bè quốc tế.

Ngành du lịch nơi đây đã giải quyết được việc làm cho hơn 180.000 lao động. Nhiều điểm đã là thương hiệu nổi bật trong khu vực như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt… Nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế của các thương hiệu lớn đã hình thành và phát triển như: FLC Sầm Sơn (Thanh Hoá); Inter Continental (Đà Nẵng); Laguna (Thừa Thiên Huế); Vinpearl Resort , Six Senses Ninh Van Bay (Khánh Hoà); Anantara Resort, Sealinks Beach Villas (Bình Thuận)… Đây là sự phát triển về “chất” khá ấn tượng so với toàn quốc. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng du lịch miền Trung và Tây Nguyên phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và kì vọng, chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp nổi bật. Nó đang đối mặt với nhiều vấn đề như hệ thống sản phẩm du lịch còn trùng lặp giữa các địa phương.

Hoạt động của du khách nơi đây mới chỉ dừng lại ở nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan và ẩm thực, thiếu những hoạt động vui chơi giải trí trải nghiệm văn hóa vùng miền, khiến ngày lưu trú của du khách còn ngắn. 

Thời gian qua, nhiều dự án dụ lịch ở khu vực này chỉ khai thác “thô” các tài nguyên du lịch và thu hút vốn đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú còn sản phẩm du lịch khá đơn điệu, việc xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu. Nhiều địa phương có tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng vẫn chưa được  đầu tư tương xứng với tiềm năng.

Sẽ có nhiều liên kết để tạo đột phá

Ông Phan Ngọc Thọ (Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế)  cho biết: “Miền Trung - Tây Nguyên là vùng đất có tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, di sản văn hóa, lịch sử to lớn.

Tuy nhiên, tiềm năng này đang bị ngủ quên trong thời gian dài, hiện nay du lịch miền Trung -Tây Nguyên khai thác chủ yếu thô và chưa có nhiều đột phá, dù đã cố gắng trong thời gian qua. Hội nghị là một cơ hội để chúng ta kiến nghị với Thủ tướng, các ngành nhằm có cơ chế đặt thù làm sao để du lịch của miền Trung – Tây Nguyên phát triển tương xứng, ngang tầm với các khu vực bạn”.

Theo Ban tổ chức, tại Hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ sẽ nêu kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về các giải pháp để phát triển du lịch. Hội nghị cũng sẽ có ý kiến của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; ý kiến của đại diện cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài; các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Dự kiến Hội nghị sẽ có khoảng 10 kiến nghị về chính sách với Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời sẽ công bố các ký kết hợp tác phát triển du lịch của các địa phương trong vùng kinh tế miền Trung và Tây Nguyên.

Ông Phan Thiên Định (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn cho biết, tại Hội nghị này, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ cấp 3 quyết định chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch, với tổng mức khoảng 9 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, sẽ ký 2 hợp tác chiến lược trong việc phát triển lữ hành và mở rộng các đường bay tạo những kết nối quốc tế thông qua kết nối du lịch của các cố đô và nâng cấp sân bay.

“Hội nghị được tổ chức ở Huế là vinh dự cũng là cơ hội để Huế quảng bá hình ảnh của mình. Đồng thời, chứng minh Huế đủ sức tổ chức các Hội nghị tầm quốc gia cũng như quốc tế. Tôi mong rằng, sau Hội nghị du lịch của khu vực này sẽ có bước đột phá” - ông Định bày tỏ. 

Được biết, trong thời gian qua toàn khu vực chỉ có sự liên kết: “Ba địa phương – Một điểm đến” của Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Hiện nay, sự liên kết giữa các tỉnh, thành chỉ ở từng cụm chỉ có tính chất nhỏ, chưa thực sự bền vững.

Các tỉnh miền Trung hầu hết đều có tài nguyên về du lịch biển và du lịch di sản nên cần phải có sự liên kết để khai thác lợi thế của vùng. Đây cũng là khu vực có cửa ngõ ra biển nên cần có sự kết nối chặt chẽ với các Di sản văn hóa thế giới như với Cố đô Luang Prabang (Lào) và Quần thể Angkor Wat (Campuchia), tạo thành sản phẩm du lịch “Con đường di sản Đông Dương”. 

Đại tá Hoàng Long (Trưởng Công an TP Huế) cho biết: “Đây là Hội nghị tầm quốc gia diễn ra vào dịp đầu năm mới Kỷ Hợi với kỳ vọng sẽ kiến nghị nhiều chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn, khơi dậy tiềm năng du lịch của từng địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đơn vị chúng tôi sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp, đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn, thông suốt”.

Đọc thêm