Trục lợi bảo hiểm: Không dễ chứng minh

(PLVN) - Nếu vụ giết người “mượn xác” rúng động ở Lâm Đồng vừa qua không bị phát hiện thì quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp tử vong này sẽ được chi trả là 18 tỷ đồng. Theo thống kê, có khoảng 4-6% hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm có dấu hiệu trục lợi song các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn âm thầm chi trả cho khách hàng vì không có đủ bằng chứng…
Bí thư xã giết cháu vợ để “mượn xác” trục lợi 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm
Bí thư xã giết cháu vợ để “mượn xác” trục lợi 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm

Chặt tay để hưởng bảo hiểm

Cách đây 4 năm, vào tháng 5/2016, cả nước xôn xao vụ một phụ nữ ở Hà Nội thuê người chặt tay, chặt chân, sau đó tạo hiện trường giả bị tai nạn tàu hỏa cán để đòi tiền bảo hiểm (BH) 3,5 tỷ đồng…

Vụ này đã được công an điều tra làm rõ bởi dấu vết rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều vụ tai nạn có dấu hiệu “tự hủy hoại thân thể” nhưng do không thể chứng minh được hành vi trục lợi nên doanh nghiệp (DN) BH phải chi trả quyền lợi cho khách hàng.

Hồi đầu năm 2019, một phụ nữ mua gần như cùng lúc 9 hợp đồng BH ở 8 DN BH nhân thọ khác nhau. Một tháng sau, người này gặp “tai nạn” do bị dao chặt cụt ngón tay cái. Số tiền BH nếu đòi được từ tất cả hợp đồng BH đã mua lên tới vài tỷ đồng. 

Theo thông tin PLVN có được, 8 DN BH này đã có đơn tố cáo ra công an. Tuy nhiên, phía công an cũng không có bằng chứng người này trục lợi. Chưa rõ các DN BH sẽ xử lý ra sao nhưng hiện vẫn đành “ngậm bồ hồn làm ngọt” và từ chối cung cấp thông tin cho báo chí vì yếu tố bảo mật thông tin khách hàng khi cơ quan công an chưa có kết luận.

Trước đó, ở địa phương này cũng có trường hợp một người đàn ông bị “tai nạn” chặt đứt ngón tay cái sau thời gian ngắn mua BH nhân thọ. Mặc dù nghi ngờ nhưng DN BH không thể chứng minh được hành động cố tình tự hủy hoại thân thể để trục lợi nên phải chi trả 300 triệu đồng. Vài tháng sau, người đàn ông này lại bị “tai nạn” cụt nốt ngón tay cái bàn tay kia và nhận được tiếp 300 triệu đồng. 

Và chỉ trong khoảng 1 năm sau, tại vùng này đã xảy ra liên tiếp gần chục trường hợp sau khi mua BH thì bị “tai nạn” cụt ngón tay với những lý do khác nhau (chặt dừa, chặt cây, cưa, chặt giò heo…). 

Mới đây, vào cuối năm 2019, có trường hợp một người đàn ông trong khoảng thời gian ngắn mua 15 hợp đồng BH tại 10 DN BH nhân thọ. Sau đó, người này khiếu nại đòi quyền lợi BH ung thư với tổng số tiền chi trả tới gần 10 tỷ đồng…

Coi chừng tàn phế vẫn phải đi tù!

Chia sẻ về các vụ việc này, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký phụ trách Hiệp hội BH Việt Nam (IAV) tỏ ra rất thận trọng: “Tôi không nói trường hợp nào là trục lợi BH khi chưa có bằng chứng. Nhưng đánh giá về nhiều yếu tố, chúng tôi thấy có nhiều điểm bất thường…”.

Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, các DN BH chi trả hàng ngàn tỷ đồng quyền lợi BH cho khách hàng. Riêng năm 2019, các DN BH nhân thọ chi trả hơn 24.000 tỷ đồng quyền lợi BH; nếu cộng cả chi trả quyền lợi BH sức khỏe của các DN BH phi nhân thọ thì tổng số tiền chi trả là khoảng 30 ngàn tỷ năm 2019. 

Không ai có thể nói được trong đó có bao nhiêu tiền DN BH đã chi trả cho khách hàng trục lợi BH. Tuy nhiên, theo IAV, một nghiên cứu giai đoạn từ năm 2007-2013, có khoảng 52.860 vụ trục lợi với số tiền trên 530 tỷ đồng trong BH nhân thọ ở Việt Nam. Đây là những vụ DN BH điều tra phát hiện được ra bằng chứng nên từ chối chi trả quyền lợi BH hoặc khách hàng tự rút yêu cầu đòi quyền lợi BH khi biết vụ việc bị phát hiện.

Kết quả một khảo sát khác cho thấy, ước tính có từ 4-6% hồ sơ chi trả quyền lợi BH có dấu hiệu trục lợi của khách hàng. Tuy nhiên, DN BH không có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả nên vẫn thực hiện chi trả quyền lợi BH cho khách hàng.

“Nếu không tìm ra bằng chứng trục lợi, DN BH sẽ chi trả quyền lợi BH. Nhưng nếu khách hàng nhận quyền lợi BH do đã thực hiện hành vi trục lợi thì dù kế hoạch  có tinh vi đến đâu, hồ sơ mua BH và yêu cầu chi trả quyền lợi BH có chặt chẽ đến đâu cũng sẽ có những sơ hở… Có thể sau này, khi DN BH phối hợp với các bên liên quan điều tra tìm được bằng chứng, người trục lợi BH và cả người đã tiếp tay sẽ vướng vòng lao lý. Điều này chả ai muốn, nên hãy dừng lại trước khi quá muộn!” - Phó Tổng Thư ký IAV đưa ra lời khuyên.

Khi nào xử phạt vi phạm hành chính, khi nào chịu trách nhiệm hình sự?

Theo Nghị định 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BH, kinh doanh xổ số, các hành vi vi phạm về gian lận mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng. Cụ thể là các hành vi: Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi BH để giải quyết bồi thường; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền BH khi sự kiện BH đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi BH...

Trong khi đó, Điều 213 Bộ luật Hình sự  2015 (tội “Gian lận bảo hiểm”) quy định hành vi “tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình” để  chiếm đoạt tiền BH từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 3 đến 7 năm.

Đọc thêm