Trục lợi bảo hiểm: Phương thuốc nào cho “căn bệnh nan y”?

(PLO) - Đã có rất nhiều vụ trục lợi bảo hiểm (TLBH) xảy ra trên thực tế, nhưng hầu hết đều bị phát hiện bởi doanh nghiệp bảo hiểm đều có giấy tờ, hồ sơ quản lý sau khi bán bảo hiểm, mỗi hợp đồng bảo hiểm cũng quản lý rất chặt chẽ…
Trục lợi bảo hiểm: Phương thuốc nào cho “căn bệnh nan y”?

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tại sao TLBH ngày càng trở nên khó kiểm soát và nghiêm trọng? Chỉ có thể trả lời rằng, do các gói bảo hiểm bồi thường có giá trị lớn nên vẫn là những miếng mồi ngon đối với những kẻ trục lợi.  

TLBH có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, bất kỳ giai đoạn nào của chu trình bảo biểm. Theo thống kê của Cục quản lý –Giám sát Bảo hiểm, từ năm 2007 đến năm 2014 tổng số vụ TLBH đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm hơn 65 ngàn vụ, trung bình mỗi năm 8.000 vụ, tổng số tiền lên tới 850 tỉ đồng, trung bình mỗi năm số tiền bị trục lợi là 110 tỉ đồng. Đó là chưa tính đến những hồ sơ trục lợi nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả. 

Muôn vàn kiểu trục lợi

Mục đích cơ bản của bảo hiểm là nhằm bảo đảm bù đắp những tổn thất do những rủi ro mà cá nhân hay tổ chức gặp phải, góp phần ổn định hoạt động của mỗi cá nhân, tổ chức đó. Với chức năng này, bảo hiểm đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế, giúp các nạn nhân gặp tai nạn hay ốm đau không còn là gánh nặng của cộng đồng và duy trì mức sống của họ; các doanh nghiệp khôi phục được hoạt động sau khi có tổn thất, ổn định được công ăn việc làm, hoạt động sản xuất. 

Tuy nhiên, trong thực tế đã có không ít cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm những quy định trong quan hệ kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích hưởng lợi không chính đáng. Xét về ý thức, TLBH là hành vi được thực hiện có tính toán và mục đích rõ ràng, cho dù chủ ý đó được “lên phương án” từ trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm hoặc có thể xảy ra tại bất cứ công đoạn nào trong chu trình bảo hiểm từ khai thác, giao kết hợp đồng, giám định, khiếu nại bồi thường và giải quyết bồi thường.

TLBH diễn ra trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Trong mỗi lĩnh vực, mỗi loại hình nghiệp vụ bảo hiểm, hình thức trục lợi bảo hiểm là khác nhau. Không chỉ có người mua bảo hiểm tham gia trục lợi mà vụ việc có thể còn có sự thông đồng của nhân viên bảo hiểm. Nhân viên cố tình ghi sai ngày tham gia bảo hiểm trên giấy chứng nhận bảo hiểm. Nhân viên thông đồng với khách hàng để ngụy tạo hồ sơ, đánh giá cao mức độ tổn thất hoặc lợi dụng các kẽ hở về giấy tờ, về thủ tục giám định,…

Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm
Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm

Theo ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), dưới góc độ quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, TLBH là một vấn đề còn mới ở Việt Nam.

Hiện nay, mới chỉ có tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đã được bổ sung vào Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015 với các hành vi cụ thể như: Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác.

Thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cho hay, đối với bảo hiểm phi nhân thọ, việc trục lợi chủ yếu xảy ra ở nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới; bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu; bảo hiểm cháy nổ; bảo hiểm tài sản và thiệt hại; bảo hiểm hàng hóa. Còn lĩnh vực nhân thọ, chủ yếu xảy ra ở nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe; bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm trọn đời.

Phương thuốc nào hữu hiệu?

Hầu hết các vụ việc TLBH đều bị phát hiện, doanh nghiệp bảo hiểm đều có giấy tờ hồ sơ quản lý sau khi bán bảo hiểm, mỗi hợp đồng bảo hiểm đều có 10 năm, 20 năm hoặc suốt đời nên quản lý rất chặt chẽ, xây dựng qui trình bồi thường, xây dựng có bộ phận thẩm tra, thanh tra, pháp chế,  kiểm tra sơ hở dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, tiếp nhận những phản ánh của người dân…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tại sao TLBH ngày càng trở nên khó kiểm soát và nghiêm trọng? Chỉ có thể trả lời rằng, do các gói bảo hiểm bồi thường có giá trị lớn nên vẫn là những miếng mồi ngon đối với những kẻ trục lợi.  

“Khi một cơ chế chính sách mới ra đời, bao giờ người ta cũng lợi dụng nó để mang lại lợi ích cá nhân cho người được quyền hưởng lợi. Quan trọng là Nhà nước phải tìm cách để quản lý tốt vấn đề này. Điều lâu nay chúng ta cần phải làm đó là cải cách thủ tục hành chính và cải cách hệ thống công nghệ thông tin”- ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất.

Theo ông Lợi, việc quản lý thông tin của nước ta còn rất yếu nên mới có câu chuyện một người khám bệnh nơi này xong lại làm thủ tục khám bệnh nơi khác. Có những người trong mấy tháng mà đi khám tới 28 lần. “Đó chính là trục lợi, bởi người bệnh ốm đau đi khám bệnh là đương nhiên, nhưng những người đi khám bệnh nhiều lần, có thể lấy thuốc đó cho người khác và có thể đem đi bán hoặc bỏ vứt rất lãng phí”, ông Lợi nhận định.

Để giải quyết triệt để căn bệnh “nan y” trong ngành bảo hiểm, ông Lợi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần cải cách thủ tục hành chính và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ mọi quy trình. “Khi người trục lợi có các hành động che mắt, qua mặt được các cơ quan quản lý nhà nước quả thực là điều đáng lưu ý. Muốn giảm thiểu tình trạng TLBH trong tương lai, các doanh nghiệp bảo hiểm phải có giải pháp quản lý tốt để tránh thiệt hại cho chính mình. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước phải nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chỗ nào bị hở, chỗ nào chưa bao phủ hết, chỗ nào chưa quy định hết thì phải bổ sung vào trong Luật, Nghị đinh, Thông tư”- ông Lợi nêu quan điểm.

Thiết nghĩ, trong khi chờ những qui định của pháp luật dần hoàn thiện thì việc làm trước tiên của các danh nghiệp bảo hiểm là phải bảo đảm chặt chẽ từ khâu khai thác, bán hàng đến khâu bồi thường. Bên cạnh đó là công tác phối hợp thường xuyên với các cơ quan chức năng (như Cục Giám định Bảo hiểm - Bộ Tài chính, Cơ quan cảnh sát điều tra -Bộ Công an)… Có như vậy mới hy vọng hạn chế được những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Luật sư Lê Ngọc Hà (Hà Nội): Theo tôi được biết, các trường hợp cố ý TLBH diễn ra rất đa dạng ở hầu hết các loại hình bảo hiểm. Việc đánh giá, phân biệt giữa thiệt hại do lỗi cố ý hay do lỗi vô ý, do ngẫu nhiên hay do sắp đặt, trung thực hay giả mạo trong từng vụ việc bảo hiểm cụ thể đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm phải có các cán bộ có chuyên môn cao, thẩm định khách quan, kỹ lưỡng và chính xác trước khi ký hợp đồng bảo hiểm và sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. 

Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm cần phối hợp tốt với các cơ quan chức năng như cơ quan điều tra, cơ quan y tế, cơ quan giám định, kiểm định để xác định rõ nguyên nhân, đánh giá chính xác hậu quả thiệt hại thực tế của từng hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Việc làm này vừa đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho khách hàng tham gia bảo hiểm, vừa loại bỏ được những trường hợp TLBH gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm”.

Đọc thêm