Trung bình 7 phút có 1 trẻ em bị tước đi sự sống vì bạo hành

(PLVN) - Con số được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra tại Hội nghị phát triển toàn diện trẻ thơ Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 sáng nay, 4/12, để kêu gọi cộng đồng nỗ lực hơn nữa vì sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Tiết mục chào mừng tại phiên khai mạc Hội nghị phát triển toàn diện trẻ thơ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 ở Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong thời đại 4.0, để nắm bắt các thời cơ, các quốc gia và cả Việt Nam đều nhận thức rõ vai trò của phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trẻ em – những chủ nhân tương lai.

Vì thế, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030, luật hóa và thực hiện trên thực tế bảo đảm đầy đủ các quyền của trẻ em.

Phó Thủ tướng cho biết, quyền được sống trong yêu thương cuả mọi trẻ em là một quyền đương nhiên của trẻ em đã được ghi nhận trong Công ước về trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại không ít quốc gia, vì nhiều lý do mà quyền này vẫn rất khó được thực hiện.

Ở Việt Nam, trong mọi chính sách, quy định của pháp luật đều thể hiện sự đảm bảo thực thi các quyền của trẻ em.

Chính phủ Việt Nam cam kết và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, trong đó những mục tiêu về trẻ em được tập trung hết sức cụ thể.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Trẻ em cần được sống trong môi trường hòa bình, trong sạch và đầy tình yêu thương”

Để trẻ em phát triển toàn diện, quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ đầy đủ thì không chỉ có công tác của các cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan đến quyền này, mà cần sự phối hợp đồng bộ của các bên, cần tầm nhìn bài bản và hành động cụ thể, kịp thời.

Trên toàn thế giới, vẫn còn nhiều trẻ em phải sống trong xung đột, bị thiệt thòi. Trung bình cứ 7 phút có 1 trẻ em bị tước đi sự sống vì bạo hành. Trên thế giới, có cả Việt Nam, hàng năm vẫn có hàng ngàn vụ xâm hại trẻ em. Số trẻ em bị người thân xâm hại đến thể chất, tinh thần bằng hành vi, lời nói, thái độ đáng báo động hơn rất nhiều. Có đến ¾ trẻ em đã bày tỏ phải chịu bạo hành.

Chỉ ra điều kiện để trẻ em có thể phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đầu tiên là cần giảm giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng khó khăn với các vùng phát triển để các bậc cha mẹ có đủ điều kiện, sẵn sàng cho thế hệ mới được ra đời và phát triển.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “trẻ em không chỉ cần được nuôi dưỡng đầy đủ dinh dưỡng, được học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi mà còn cần được sống trong môi trường hòa bình, trong sạch và đầy tình yêu thương”.

Do đó, Phó Thủ tướng lưu ý, các cấp chính quyền, nhất là cơ sở ở những vùng khó khăn, không vì sức ép của tăng trưởng mà quên không dành sự quan tâm, chỉ đạo, nguồn lực cho công tác chăm sóc trẻ em, bởi “đầu tư vào sự phát triển của trẻ thơ là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển ở Việt Nam, “không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt với trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng khó khăn, bị thiệt thòi do khuyết tật”, để không em nào không có tuổi thơ trong sáng, không có tương lai. Chỉ có như vậy thế giới mới tiếp tục hòa bình, đất nước mới mãi màu xanh”.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn, “thế hệ tương lai được chăm sóc, bảo vệ bằng những gì tốt nhất, đặc biệt là bằng sự yêu thương”.

Hội nghị phát triển toàn diện trẻ thơ Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 với chủ đề “Tăng cường phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy môi trường nuôi dưỡng, an toàn và bền vững cho trẻ thơ” do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Mạng lưới phát triển trẻ thơ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ARNEC) tổ chức tại Hà Nội từ 4-6/12.

Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm hay, sách kiến, giải pháp mới về chính sách, chương trình về phát triển toàn diện trẻ thơ. Một trong những thông điệp của Hội nghị là “Đầu tư vào sự phát triển của trẻ thơ là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo cấp cao các nước, các bộ trưởng, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia quốc tế đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau đưa ra Tuyên bố kêu gọi hành động trong công tác phát triển toàn diện cho trẻ thơ – Con đường phía trước.

Đọc thêm