Trung Đông và châu Á thu mua vũ khí nhiều nhất thế giới trong 5 năm qua

(PLO) - Một nghiên cứu mới đây Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, số lượng vũ khí nhập khẩu vào Trung Đông và châu Á đã tăng vọt trong 5 năm qua, nguyên nhân là do chiến tranh và căng thẳng kéo dài trong khu vực. 
Ảnh minh họa

Được biết, SIPRI là viện nghiên cứu độc lập của Thụy Điển chuyên kiểm soát các vấn đề về vũ khí, cứ 5 năm một lần lại công bố bản báo cáo về dòng chảy vũ khí trên thế giới, giúp các nhà nghiên cứu định hình các khu vực chiến sự căng thẳng trên toàn cầu.

Ả rập Xê-út nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới

Theo AFP dẫn thông tin từ Viện SIPRI, trong khoảng thời gian từ năm 2013-2017, lượng vũ khí mà Trung Đông nhập khẩu đã tăng gấp đôi, cụ thể là tăng 103% so với 5 năm trước. Và đáng chú ý, Trung Đông là khu vực chiếm 32% tổng số lượng vũ khí nhập khẩu trên toàn thế giới. Hiện nay, Ả rập Xê-út - hiện là nước dẫn đầu khối liên minh quân sự khuấy động cuộc chiến chống nhóm phiến quân Houthi ở Yemen - là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ, theo SIPRI. Trong đó, Mỹ chiếm tới 61% tổng lượng vũ khí xuất khẩu vào Ả rập Xê-út và 23% tổng lượng vũ khí nhập vào Anh. 

Hồi tuần trước tập đoàn chuyên sản xuất vũ khí BAE Systems tuyên bố, Anh đã ký một đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ USD cho Ả rập Xê-út để bán 48 máy bay chiến đấu lớp Typhoon. Thỏa thuận này ngay lập tức làm dấy lên cuộc tranh luận căng thẳng và nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở Anh, nơi mà tổ chức phi chính phủ “Save The Children” đã phản đối thỏa thuận trên bằng cách dựng một bức tượng trẻ em kích cỡ như người thật gần tòa nhà Quốc hội để “hướng sự chú ý về tình trạng bạo lực mà một phần gây nên do những quả bom mà Anh chế tạo”.

Nhà phân tích cao cấp của SIPRI, Pieter Wezeman, cho rằng “mâu thuẫn bạo lực lan rộng ở Trung Đông và những quan ngại về nhân quyền đã dẫn đến cuộc tranh luận chính trị căng thẳng ở Tây Âu và Bắc Mỹ về việc hạn chế xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài. Tuy nhiên, Mỹ và các nước châu Âu vẫn là các nước xuất khẩu vũ khí chính cho khu vực và cung cấp tới 98% vũ khí nhập khẩu của Ả rập Xê-út”.

Được biết, Mỹ hiện vẫn tiếp tục là “nhà buôn vũ khí” đứng đầu thế giới với 34% vũ khí trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Số vũ khí Mỹ bán ra đến ít nhất 98 quốc gia và lãnh thổ, nhiều nhất trong số các nhà buôn hàng đầu thế giới và phần lớn hàng bán của Mỹ là máy bay chiến đấu hoặc máy bay vận tải quân sự. Khu vực Trung Đông mua gần 50% lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ và châu Á mua 1/3. 

Viện SIPRI dự đoán trong vài năm tới, Washington tiếp tục là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Thứ tự các nhà buôn hàng đầu có lẽ cũng sẽ chưa có thay đổi nhiều với Nga đứng thứ hai (hiện chiếm khoảng 20% số lượng vũ khí bán ra toàn cầu với khách hàng đến từ 47 quốc gia và lãnh thổ) là Pháp đứng thứ ba (6,7%), tiếp theo là Đức và Trung Quốc. 

Ở châu Á, Ấn Độ cũng tăng cường mua vũ khí

Hiện ở châu Á và châu Đại Dương là hai khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất, chiếm 42% trong tổng số vũ khí trên toàn cầu giai đoạn 2013-2017. Trong đó, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, còn Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho nước này (62% tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ).

Ngoài ra, lượng vũ khí Ấn Độ mua từ Mỹ - nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - cũng tăng hơn 6 lần trong 5 năm qua. Một nhà nghiên cứu khác của SIPRI, Siemon Wezeman cho biết, “những căng thẳng giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc khiến cho nhu cầu mua vũ khí của nước này ngày càng tăng, nhất là đối với những vũ khí chính mà nước này không tự sản xuất được”. 

Tuy nhiên khác với Ấn Độ, Trung Quốc ngược lại đang ngày càng phát triển khả năng tự sản xuất vũ khí cho mình và tăng cường quan hệ với Pakistan, Bangladesh và Myanmar thông qua việc cung cấp vũ khí. Tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn 5 năm vừa qua cũng tăng cao, ở mức 38%, và hiện đang là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Myanmar - khoảng 68% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của nước này.

Trung Quốc cũng cung cấp 71% tổng lượng vũ khí mà Bangladesh nhập khẩu, và 70% tổng lượng vũ khí của Pakistan. Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã tìm cách chen chân vào “thị trường ngách” với các hợp đồng vũ khí giá rẻ và không quá nhiều ràng buộc đối với đối tác.