Trung Quốc - Ấn Độ: Lại “nóng” chuyện tranh chấp biên giới

(PLO) - Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại trở nên căng thẳng liên quan đến cuộc đối đầu quân sự dọc một phần biên giới ở Himalaya. Đây được coi là tranh chấp biên giới tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua giữa hai quốc gia láng giềng.
Lực lượng biên phòng Trung - Ấn  trong một lần gặp nhau tại cột mốc biên giới
Lực lượng biên phòng Trung - Ấn trong một lần gặp nhau tại cột mốc biên giới

Trong 3 tuần qua, giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra xung đột ở Doklam, gần ngã ba biên giới Bhutan, sau khi quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực này. 

Hối thúc rút quân

Động thái này của Trung Quốc được xem là thay đổi nguyên trạng. Mặc dù Trung Quốc và Bhutan đã trải qua nhiều thập kỷ đàm phán biên giới mà không có sự cố nghiêm trọng nào, nhưng lần này Bhutan đã cầu viện đến sự trợ giúp của Ấn Độ, một đồng minh lâu đời, để đưa quân tới khu vực tranh chấp.

Căng thẳng đã tăng cao khi cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng điều quân đến gần đoạn biên giới mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Ấn Độ lại cho rằng khu vực này thuộc lãnh thổ Bhutan. Doka La là tên gọi của Ấn Độ cho khu vực này, trong khi Bhutan gọi là Doklam còn Trung Quốc tuyên bố đây là một phần của vùng Donglang.

Ngày 6-7-2017, Trung Quốc đã cáo buộc Ấn Độ viện cớ bảo vệ Bhutan để hợp pháp hóa hành động xâm nhập biên giới Trung Quốc, đồng thời nước này hối thúc Ấn Độ ngay lập tức rút quân khỏi biên giới nước này và sửa sai bằng những hành động thực tế.  Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định:

“Binh lính Ấn Độ hiện đang có mặt trên lãnh thổ Trung Quốc, và vấn đề hiện vẫn chưa được giải quyết”. Ông Cảnh Sảng hối thúc Ấn Độ bày tỏ thiện chí trong việc giải quyết các tranh chấp biên giới và phát triển mối quan hệ song phương, và thiết lập các điều kiện cho sự phát triển bình thường của các mối quan hệ hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Doklam là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không có tranh chấp nào liên quan khu vực này. Ông còn nêu rõ mặc dù đường biên giới Trung Quốc-Bhutan chưa được phân định chính thức nhưng cả hai nước có sự đồng thuận cơ bản về các điều kiện thực tế và đường ranh giới ở khu vực biên giới hai nước. Do đó, ông nhấn mạnh: "Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia láng giềng, nên hòa hợp với nhau".

Trong bối cảnh xảy ra tình trạng đối đầu giữa quân đội hai nước này ở khu vực Doklam, phía Trung Quốc cũng tuyên bố "bầu không khí" hiện "chưa thích hợp" cho một cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra ở Hamburg (Đức) hai ngày 7 và 8-7. Trước đó đã có nguồn tin nói rằng Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau bên lề hội nghị G-20 để giải quyết tình hình.

Trong khi đó, về phía Ấn Độ, ngày 5-7, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Ấn Độ Subhash Bhamre cho rằng cuộc đối đầu quân sự giữa nước này với Trung Quốc dọc một phần biên giới tranh chấp tại Himalaya có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Bản đồ vùng tranh chấp giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Bhutan
Bản đồ vùng tranh chấp giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Bhutan

Tuy nhiên, ông Bhamre cũng hối thúc Bắc Kinh rút quân khỏi khu vực biên giới của nước này, và cho rằng binh lính Trung Quốc đã đi vào lãnh thổ Bhutan. Phát biểu với kênh truyền hình India Today, ông Bhamre nêu rõ: “Tôi tin rằng vấn đề này có thể được giải quyết ở cấp độ ngoại giao. Quân đội Trung Quốc nên đóng tại nơi họ đã có mặt trước đó. Trung Quốc cần chấm dứt việc xâm nhập lãnh thổ Bhutan. Chúng tôi mong muốn họ không tiến sâu hơn”. 

Có thể thấy, những tranh chấp biên giới lần này đã gây trở ngại cho việc xây dựng lòng tin Trung-Ấn. Đây được xem là cuộc đối đầu “tồi tệ nhất trong suốt 30 năm qua” giữa hai nước. 

Tranh chấp biên giới kéo dài

Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 1-4-1950, Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đồng tác giả của “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình”, đã trải qua một mối quan hệ không mấy bằng phẳng.

Chung đường biên giới dài 4.056 km, là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, hai nền kinh tế quan trọng của khu vực cũng như trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Trung Quốc và Ấn Độ là cặp song hành đặc biệt mà sự nổi lên của cả hai trên sân khấu địa - chính trị và kinh tế thế giới đã trở thành một trong những đặc trưng tiêu biểu của lịch sử đối ngoại toàn cầu những năm đầu thế kỷ XXI. 

Trấn giữ hai vị trí chiến lược, thực lực kinh tế, quân sự trong thời toàn cầu hóa đã góp phần cải thiện nhanh chóng vị thế của hai nước trên trường quốc tế. Vai trò đang lên của Trung Quốc và Ấn Độ đã đóng góp đáng kể vào nỗ lực cân bằng hệ thống chính trị toàn cầu, góp phần quyết định vào hành trình chuyển dịch trọng tâm quyền lực thế giới về phía đông đang diễn ra.

Sự mạnh lên đồng thời của cả hai “người khổng lồ châu Á” cũng tạo ra những áp lực vô hình cho cả Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc đua tìm kiếm ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nước cùng tăng ngoạn mục với nhiều yếu tố gắn kết tưởng chừng đã quá đủ để gắn kết hai nền kinh tế đang phát triển làm kinh ngạc cả thế giới. 

Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận là việc chung “bức vách” Himalaya hiểm trở chưa đủ để làm bền vững không gian hữu nghị với những ám ảnh của một quá khứ đầy trắc trở. Đó chính là do cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài trong nhiều thập kỷ qua. Nguyên nhân bắt nguồn từ những tranh chấp khu vực biên giới Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát và bang Arunachal Pradesh thuộc sự quản lý của Ấn Độ. 

Trong cuộc tranh chấp này, Ấn Độ tuyên bố Aksai Chin là một phần của Ladakh và cáo buộc Trung Quốc lợi dụng việc kiểm soát vùng này để chiếm 38.000 km2 vùng Ladakh, lãnh thổ trên cao nguyên ở dãy Himalaya.

Ngược lại, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000 km2 ở khu vực bang Arunachal Pradesh và gọi bang này bằng tên Nam Tây Tạng thuộc Khu tự trị Tây Tạng. Những căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến cuộc chiến biên giới chớp nhoáng giữa hai nước vào năm 1962, tại nóc nhà thế giới khiến hai bên tổn thất đến gần 2.000 người.

Phải đến năm 1988, Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi mới tiến hành chuyến thăm Trung Quốc sau 34 năm kể từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Trong chuyến thăm, hai bên đã nhất trí rằng: “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình” cần được coi là cơ sở trong quan hệ quốc tế nhằm khôi phục, cải thiện và phát triển quan hệ láng giềng Trung - Ấn. Hai bên còn quyết định thành lập nhóm công tác liên hợp về biên giới để từng bước giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại. 

Năm 1993, trong thời gian Thủ tướng Ấn Độ V. Narasimha Rao cầm quyền, hai nước đã ký một hiệp định về duy trì hòa bình dọc Đường Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) dài 750 km, phân chia lãnh thổ hai bên, và thực thi các cơ chế nhằm tránh khả năng leo thang các vụ vi phạm biên giới. 

Năm 1996, hai nước đạt được Thỏa thuận về xây dựng lòng tin liên quan đến vấn đề biên giới. Hai nước đã ký Hiệp định về nguyên tắc chỉ đạo chính trị giải quyết vấn đề biên giới Trung - Ấn vào năm 2005 nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Năm 2009, hai bên nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa Thủ tướng hai nước và tiếp tục thương lượng để giải quyết một cách hòa bình những tranh cãi về vấn đề biên giới.

Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 22 đến 24-10-2013 của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác biên giới, xem như một biện pháp xây dựng lòng tin, nhằm tránh những xung đột dọc biên giới hai nước đồng thời tăng cường giao lưu và phối hợp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại. 

Trung Quốc hối thúc Ấn Độ bày tỏ thiện chí trong việc giải quyết các tranh chấp biên giới
Trung Quốc hối thúc Ấn Độ bày tỏ thiện chí trong việc giải quyết các tranh chấp biên giới

Ngay sau khi ông Narendra Modi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ vào tháng 5-2014, Ấn Độ và Trung Quốc đã có nhiều cử chỉ ngoại giao hòa dịu. Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 9-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cam kết hợp tác với Ấn Độ để duy trì hòa bình và ổn định. Hai bên đã ký thỏa thuận thiết lập thành phố kết nghĩa giữa Mumbai và Thượng Hải, cũng như giữa thành phố Ahmedabad và Quảng Châu.

Tuy nhiên, những vấn đề tiềm tàng tồn tại từ lâu nay giữa hai nước là những vấn đề lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia vẫn chưa thể dung hòa. Cho đến nay Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành tới 17 vòng đàm phán về biên giới nhưng chưa đạt được kết quả nào.

Các nhà phân tích cho rằng, cho dù Ấn Độ và Trung Quốc có lúc hòa dịu, tăng cường hợp tác nhưng với những căng thẳng liên quan đến vấn đề biên giới lần này sẽ khiến quan hệ hai nước không ổn định lâu dài./.

Đọc thêm