Trung Quốc cảnh báo về 'hậu quả nguy hiểm nhất'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phản ứng được đưa ra sau khi Australia ký thỏa thuận AUKUS với Mỹ và Anh để mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm đối phó với các động thái mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Liên minh ba bên trong thỏa thuận AUKUS thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Ảnh minh họa: AP
Liên minh ba bên trong thỏa thuận AUKUS thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Ảnh minh họa: AP

Khi Australia bày tỏ kế hoạch thiết lập quan hệ đối tác quốc phòng với Anh và Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo lục địa này tránh tham gia "can thiệp từ bên ngoài" vào vùng biển châu Á - Thái Bình Dương. Al Jazeera dẫn lời ông Tập Cận Bình hôm 17/9 cho biết: “Australia có thể phải chịu hậu quả nguy hiểm nhất nếu trở thành bia đỡ đạn trong sự kiện này (AUKUS) hoặc một cuộc đọ sức quân sự trong khu vực".

Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh 2GB rằng tất cả các nước đều có "quyền đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của họ". Trong các cuộc phỏng vấn khác, ông Morrison cũng nói thêm rằng, Chính phủ Australia đang thích ứng với những động lực đang thay đổi ở Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Phản ứng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra sau khi Australia ký thỏa thuận AUKUS với Mỹ và Anh để mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm thiết lập an ninh hàng hải mạnh mẽ hơn trong bối cảnh các động thái mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Vào ngày 15/9, Australia, Mỹ và Anh đã công bố quan hệ đối tác an ninh ba bên nhằm đảm bảo nâng cấp chiến lược về an ninh hàng hải ở các vùng biển quốc tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây được coi là "bước đi lịch sử" từ nỗ lực chung của ba quốc gia mà theo Tổng thống Mỹ Joe Biden là "mệnh lệnh đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về lâu dài".

Theo tiết lộ của các nhà lãnh đạo, các tàu ngầm sẽ sở hữu năng lượng hạt nhân chứ không phải vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý là Australia là một thành viên của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).

Liên minh ba bên thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Mặc dù các nhà lãnh đạo không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc trong bài phát biểu của họ, nhưng thỏa thuận này cũng đã thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ông lên án liên minh AUKUS và gọi đây là "mối đe dọa" đối với hòa bình và ổn định khu vực ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông cũng đề cập rằng các quốc gia đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mặc dù là thành viên của hiệp ước NPT.

Trong khi đó, tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc cũng gọi sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là "ngây thơ" và "trò chơi chiến tranh lạnh". Và trong cuộc phỏng vấn tại Hội nghị thượng định của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm thứ Sáu tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi nguyên thủ quốc gia các nước Đông Nam Á "tuyệt đối chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp (vào) các nước trong khu vực của chúng ta với bất kỳ lý do gì", truyền thông Nhà nướcTrung Quốc đưa tin.